Thiếu thẩm định, chính sách chết yểu!

Mấy ngày nay, đi đến đâu cũng nghe bà con bàn tán đến Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định tất cả ô tô từ ngày 6-1-2016 phải trang bị bình cứu hỏa. Cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng đã thu hút số lượng người tham gia cực lớn, không chỉ chuyên gia mà cả người dân. Những người sở hữu xe từ bảy chỗ trở xuống tỏ ra bức xúc hơn cả vì loại xe này không được nhà sản xuất thiết kế chỗ dành cho bình cứu hỏa, hơn nữa còn có nhiều ý kiến nghi ngờ mức độ an toàn của nó trong tình trạng nhiệt độ cao khi để xe ngoài trời.

Bài viết này không lạm bàn nội dung thông tư đúng hay sai mà chỉ muốn nói đến khía cạnh khác mang tính phổ quát hơn, đó là cách thức và quy trình để ra một quyết định sao cho xã hội thấy được mức độ hợp lý của nó.

Những chính sách chết yểu

Có một thực tế là không phải quyết định nào của Nhà nước đều được nhân dân đón nhận ngay lập tức. Có những chính sách khi mới ban hành thì vấp phải sự phản đối nhưng do lợi ích của nó mang lại mà sau đó người dân vui vẻ chấp hành. Chuyện mang nón bảo hiểm khi đi xe máy là một ví dụ.

Nhưng trường hợp như thế không nhiều, trên thực tế thời gian qua có quá nhiều chính sách ban hành vấp phải sự phản ứng của người dân, bởi họ nhận thấy cách thức xây dựng chính sách thực sự chưa ổn. Rất nhiều ví dụ minh chứng cho điều này như quy định mỗi người chỉ được sở hữu một xe máy, quy định “ngực lép, chân ngắn” không được chạy xe máy, thịt tươi không được để qua tám tiếng sau khi giết mổ, thay đổi giờ làm việc lệch pha… Nếu nhìn rộng ra thì bộ, ngành nào cũng có tình trạng ban hành các quyết định chết yểu, chưa phù hợp, phải điều chỉnh ngay sau khi vừa mới ban hành hoặc bị thu hồi, thay thế bằng quyết định khác.

Ở bất cứ quốc gia nào, cho dù tiên tiến nhất cũng khó có thể tránh được sai lầm trong ban hành chính sách. (Gần đây nhất là chuyện bà thủ tướng nước Đức phải ngay lập tức điều chỉnh chính sách nhập cư cởi mở sang hạn chế, có điều kiện cho người tị nạn). Nhưng vấn đề ở chỗ phải làm sao cho việc ban hành chính sách sai giảm thiểu ở mức thấp nhất, phải tính trước được các tình huống phát sinh.

Nếu tiến hành nghiên cứu, thảo luận, trưng cầu ý kiến các chuyên gia trước khi ban hành Thông tư 57 thì chuyện bình chữa cháy ô tô đã không ồn ào. Ảnh: MINH SƠN

Thiếu bộ lọc thẩm định

Có một sự thật hiển nhiên là chỉ trong một ngày thôi có thể có biết bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra trong một quốc gia. Có lẽ vì thế mà có vô vàn những kiến nghị, đề xuất thành văn và không thành văn của các giới khác nhau, các địa phương khác nhau gửi đến các cơ quan ban hành chính sách. Mà kiến nghị nào cũng thuộc hàng quốc kế, dân sinh. Nhưng nên nhớ đó mới chỉ là những chất liệu thô, còn việc biến chúng thành chính sách, thành điều, thành khoản… thì còn phải gia công rất nhiều.

Ở nước ta có cơ man nào là cục, vụ, viện, trung tâm nhưng một loại viện quan trọng nhất thì lại không có, đấy là viện nghiên cứu để thẩm định và ban hành chính sách. (Ở Bộ Tư pháp có Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng cơ quan này chỉ “thổi còi” những văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật chứ không thẩm định về sự tác động của chính sách). Loại cơ quan chức năng này đóng vai trò “lọc” và hiện thực hóa các tư tưởng, các mong ước mãnh liệt của lãnh đạo và người dân vào cuộc sống.

Nói cách khác, viện này đóng vai trò trung gian giữa mong muốn và thực tiễn. Nó trả lời cho một loạt câu hỏi đại loại như đề xuất, giải pháp đó có thể thực hiện được trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại không; muốn hiện thực hóa nó thì cần phải có những điều kiện tối thiểu và tối đa nào; những ai là người ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chính sách này; nó mang lại lợi ích cho ai và thiệt hại cho ai…

Hơn nữa, với những quyết sách liên quan đến nhiều người, khi áp dụng sẽ ảnh hưởng đến chi phí xã hội lớn, trước khi ban hành đại trà nên chăng phải được thử nghiệm, thí điểm để đảm bảo tính khả thi ra sao. Trên thế giới, ở bất cứ thành phố lớn nào cũng có những cơ quan có chức năng như thế này. Thậm chí ở Singapore còn có hẳn một trường đại học dạy cho công chức cách xây dựng, ban hành, thẩm định chính sách ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau. Điều đó nó đảm bảo sức sống và tuổi thọ của chính sách.

Cần chuẩn hóa quy trình ban hành chính sách

Ở Việt Nam có rất nhiều chính sách được đi thẳng từ mong muốn, ước nguyện (đôi khi chỉ là của một cá nhân) tới thực tiễn xã hội trong một thời gian cực ngắn. Có những phát biểu chỉ vài ngày sau đã có những chỉ thị, mệnh lệnh được ban hành. Tạm không nói đến tiêu cực như lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, kiểu ra chính sách như trên đã nói thực sự nguy hiểm và rủi ro rất cao, để rồi hậu quả tiêu cực đổ dồn lên vai người dân. Một chính sách ra đời từ một lần bức xúc, từ một phút ngẫu hứng thì cho dù là chính đáng đến đâu cũng tiềm ẩn những rủi ro rất cao. Chưa kể các bộ, ngành có quá nhiều “quân sư máy lạnh”, luôn đưa ra các “tối kiến” làm tham mưu cho lãnh đạo.

Quay trở lại với Thông tư 57, vấn đề sẽ không trở nên ồn ào nếu trước đó Bộ Công an tiến hành các cuộc nghiên cứu, các cuộc thảo luận, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, của người tiêu dùng để nhận được những ý kiến tốt nhất. Chính vì việc bỏ qua các nghiên cứu này nên đã vấp phải sự không đồng tình của dư luận, khiến có người nghi ngờ việc ban hành quy định này có liên quan đến lợi ích nhóm trong việc buôn bán bình chữa cháy.

Đã đến lúc Chính phủ phải chuẩn hóa thống nhất quy trình ra quyết định và hạn chế quyền ra chính sách đối với bộ, ngành. Cần thiết phải bổ sung thêm những khâu thiếu vào trong hệ thống xây dựng chính sách quốc gia mà khâu thẩm định chính sách là điều cần chú trọng trước nhất.

Xây cầu phải tính chuyện mưu sinh của dân

Câu chuyện sau đây hẳn ít nhiều có người đã biết. Vào năm 1993, khi tất cả công việc chuẩn bị cho việc khởi công xây cầu Mỹ Thuận đã hoàn tất, chính phủ Úc - nhà tài trợ chính không rót tiền ngay qua để tiến hành dự án. Họ buộc phía Việt Nam phải tiến hành một nghiên cứu cẩn trọng để trả lời câu hỏi về số phận của hàng trăm người sống bám vào những con phà qua lại trên sông Tiền hằng ngày sẽ đi đâu, về đâu, sống như thế nào, cần phải hỗ trợ mưu sinh ra sao để họ ổn định được cuộc sống sau khi cây cầu hoàn thành. Cây cầu ra đời làm lợi cho quốc gia nhưng làm thiệt cho một thiểu số là không thể chấp nhận được. Điều đó cho thấy sự cẩn trọng rất cần thiết của người ban hành chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm