Thời giờ làm việc

Mới đây công ty cho biết từ tháng 6 tới nhân viên phải đi làm từ 7 giờ và kết thúc vào 16 giờ. Công ty có được phép tự ý thay đổi thời gian làm việc hay không? Nếu nhân viên phải làm việc ban đêm thì thời gian được tính ra sao?

Trần Thị Trúc L. (KCN Sóng Thần, thị xã Dĩ An, Bình Dương)

Luật sư LẠI THỊ LỆ THANH trả lời: Công ty có quyền quy định thời giờ làm việc. Theo Điều 104, 105 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực ngày 1-5-2013), thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong một ngày nhưng không quá 48 giờ trong một tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Riêng đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành) thì thời giờ làm việc của họ không quá 6 giờ trong một ngày.

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Kiện ra tòa nơi bị đơn làm việc

Cha mẹ tôi có cho người quen mượn số tiền (có viết giấy tay) không tính lãi suất với thời hạn mượn là một năm. Nay đã quá thời hạn trên mà người mượn vẫn không trả tiền cho cha mẹ tôi. Hiện nay, người này đã cắt hộ khẩu đi đâu không rõ nhưng tôi biết chỗ làm của ông ấy. Vậy cha mẹ tôi có thể gửi đơn kiện ra TAND huyện nơi người này làm việc để đòi nợ hay không?

thaole….@gmail.com; phuobngloantran@....

Luật sư ĐINH VĂN THẢO trả lời: Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), cha mẹ của bạn có quyền khởi kiện người mượn nợ tại TAND huyện nơi người này cư trú, làm việc. Hiện tại, do không rõ nơi cư trú của người mượn nợ nên cha mẹ bạn có thể khởi kiện họ tại TAND huyện nơi họ đang làm việc.

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm