Tỉnh táo với bẫy “tín dụng đen”

Ông PHẠM THAO, Chánh án TAND quận 2, TP.HCM:

Lưu ý các chứng cứ để tự bảo vệ mình

Trong việc vay mượn nợ, nếu lãi suất vay vượt mức cao nhất theo quy định thì đây đơn thuần là giao dịch dân sự nên chủ nợ chỉ có thể khởi kiện ra tòa để đòi nợ.

Ở các vụ vỡ nợ vừa qua, các bên giao dịch bằng giấy tay là chủ yếu và có những trường hợp chỉ có giấy biên nhận vay tiền mà không có bất kỳ tài sản đảm bảo kèm theo. Khi có tranh chấp xảy ra, đúng là những giấy vay tiền này chứng minh có việc cho vay nhưng các chứng cứ khác để bảo đảm quyền lợi cho người cho vay thì ít khi có.

Người đi vay tiền dạng này thường vay với lãi suất cao hơn ngân hàng và người cho vay hầu như chỉ tập trung vào lãi suất mà quên hoặc không để ý đến việc người đi vay có tài sản gì không, họ có đồng ý thế chấp, cầm cố cho mình hay không... Người cho vay thường xuất phát từ niềm tin, uy tín hay vẻ bề ngoài giàu có của người đi vay cho đến khi vỡ nợ thì mới ngộ ra là mình đã “giao trứng cho ác”. Đến khi kiện con nợ ra tòa thì tài sản của họ còn rất ít hoặc có khi không còn gì, lúc bấy giờ tòa án cũng không thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để giảm bớt các thiệt hại cho chủ nợ. Cho dù tòa án có xử cho người cho vay thắng kiện thì khả năng nhận lại tiền cũng rất mong manh.

Tỉnh táo với bẫy “tín dụng đen” ảnh 1

Nhiều người vay "tín dụng đen" thường bị mắc bẫy từ các hợp đồng mua bán nhà giả cách. Ảnh minh họa: HTD

Khi quyết định cho vay với lãi suất hấp dẫn, mọi người cần cẩn trọng xem xét các yếu tố liên quan đến khả năng trả nợ và nếu cần thì yêu cầu bên vay thế chấp, cầm cố tài sản của mình để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng.

Ông NGUYỄN VĂN NGHĨA, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân:

Coi chừng người phải thi hành án tay trắng

Gần đây xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Khi có quá nhiều chủ nợ lớn, con nợ sẽ gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn thi hành án (THA). Theo luật định, khi yêu cầu THA, người yêu cầu phải chứng minh người phải THA có tài sản để khi người này không tự nguyện THA theo bản án thì cơ quan THA sẽ cưỡng chế để THA. Trường hợp người phải THA không có tài sản để thi hành thì cơ quan THA sẽ trả đơn yêu cầu THA.

Nếu khi cho vay tiền, người cho vay không hề nhận thế chấp, cầm cố nhà đất, giấy tờ xe hay một loại tài sản khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính mình thì đến khi THA họ rất dễ bị trắng tay.

Nhận diện hợp đồng giả cách

Trong vòng xoáy “tín dụng đen”, người cho vay hay người vay đều có thể mắc nạn. Từng suýt bị mất nhà do vay tiền, tôi xin kể ra câu chuyện của bản thân để nhiều người cùng rút kinh nghiệm.

Cần gấp tiền làm ăn, tôi hỏi vay của A một số tiền với lãi suất cao. A yêu cầu muốn vay thì tôi phải ký hợp đồng bán nhà cho A (với số tiền bằng với số tiền vay dù thực sự nhà tôi có giá cao hơn gấp nhiều lần) để làm bằng. Theo hứa hẹn của A, sau khi tôi trả đủ tiền thì A sẽ xé bản hợp đồng này.

Trả lãi cho A được một thời gian thì tôi sạch vốn. Khi tôi đang cố gắng xoay sở tiền để tiếp tục thực hiện hợp đồng vay với A thì bất ngờ A trưng ra hợp đồng mua bán nhà nói trên để buộc tôi giao nhà cấn trừ nợ. Tất nhiên là tôi không đồng ý nên A đã kiện tôi ra tòa để tranh chấp hợp đồng mua bán nhà. Bấy giờ, một luật sư đã bày tôi cách chứng minh giao dịch mua bán nhà đó là giả tạo nhằm che giấu giao dịch vay tiền. Lần dò, tôi tìm ra được các chứng từ thể hiện tôi vẫn tiếp tục trả hai tháng lãi cho người vay sau khi đã ký hợp đồng mua bán nhà. Tại sao đã bán nhà mà còn phải trả lãi vay? Từ nghịch lý này, tòa án đã xác minh để có cơ sở hủy hợp đồng mua bán nhà trên do vô hiệu.

Có người nói tôi gặp may do người cho vay không chuyên nghiệp nên vẫn còn để xảy ra kẽ hở. Thế nhưng tôi vẫn tin rằng nếu cẩn trọng và biết suy tính kỹ lưỡng, nhiều người sẽ không bị mất nhà oan uổng từ các hợp đồng mua bán nhà giả cách.

NGUYỄN THỊ NGA (Quận 1, TP.HCM)

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm