Tòa tuyên lố, thi hành án bó tay!

Thi hành án dân sự TP.HCM vừa gửi công văn đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét lại một bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM theo trình tự giám đốc thẩm. Tháng 5-2008, khi xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất, tòa này tuyên án không phù hợp thực tế khiến việc thi hành án bị tắc tỵ.

Chia đi chia lại khối di sản

Ông S. và ông Q. tranh chấp căn nhà và hơn 3.300 m2 đất ở quận Tân Phú. Đó là di sản do cha mẹ họ chết để lại mà không có di chúc. Năm 1994, anh em họ đã ký tờ cam kết phân chia di sản nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Theo đó, ông S. được hưởng toàn bộ khối di sản trên.

Năm 2001, ông Q. tự dọn về ở trên phần nhà đất mà ông S. được chia. Một năm sau, họ lại phân chia di sản dưới sự chứng kiến của UBND phường Tây Thạnh. Lần này, phần đất ông S. được quyền sử dụng hụt đi nhiều so với ban đầu. Vậy là ông S. nộp đơn khiếu nại cách phân chia mới. Đến tháng 11-2006, ông S. nộp đơn kiện ông Q. ra tòa để yêu cầu ông này tôn trọng cam kết đã lập năm 1994.

Hẳn nhiên là ông Q. không chịu. Theo ông Q., anh em họ đã thỏa thuận phân chia lại di sản vào năm 2002. Phần tài sản ông đang chiếm giữ là tài sản mà ông mới được chia lại. Do vậy, ông S. không có quyền yêu cầu ông ra khỏi khu đất đó. Theo lập luận của ông Q., biên bản lập năm 2002 thể hiện ý chí sau cùng của các đồng thừa kế, lại có xác nhận của chính quyền địa phương nên đã vô hiệu tờ thỏa thuận lập năm 1994.

Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực

Trước khi phát sinh tranh chấp này, hai ông từng kéo nhau ra tòa trong một vụ án khác. Tờ thỏa thuận phân chia di sản năm 1994 cũng đã được đem ra bàn luận trong vụ án. Lần đó, cấp phúc thẩm thừa nhận tính pháp lý của tờ thỏa thuận năm 1994 và bác bỏ thỏa thuận năm 2002.

Viện dẫn kết quả xét xử của vụ án trước, cả hai cấp xét xử lần này đều công nhận giá trị pháp lý của tờ thỏa thuận lập năm 1994. Theo cấp phúc thẩm thì vào năm 1997, ông Q. đã bán phần tài sản mà mình được chia cho người khác, nghĩa là ông Q. đã chấp nhận tờ thỏa thuận phân chia di sản năm 1994. Cấp phúc thẩm cho rằng biên bản phân chia lập năm 2002 chỉ là biên bản của chính quyền địa phương nhằm giải quyết tranh chấp tài sản giữa ông S. và ông Q. Đây không phải là biên bản có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

Chốt lại, cấp phúc thẩm y án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S. Ông Q. buộc phải tháo dỡ tài sản và di dời khỏi khu đất tranh chấp để trả lại mặt bằng cho ông S. Chưa hết, ông Q. còn phải chịu án phí cho hai lần xét xử với tổng số tiền hơn 28 triệu đồng.

Thi hành án chào thua!

Đến nay, Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn không thể thi hành án dù bản án phúc thẩm đã phát sinh hiệu lực hơn nửa năm. Xác minh thực tế, cơ quan thi hành án phát hiện trên khu đất tranh chấp còn có nhiều hộ khác đang sinh sống nhưng không được đưa vào vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các hộ này đã mua đất của ông S. và cất nhà để ở. Thậm chí nhiều hộ đã được cấp “giấy hồng”.

Trong khi đó, án phúc thẩm chỉ buộc ông Q. di dời mà chưa tính đến các hộ này. Do vậy, cơ quan thi hành án không có cơ sở để buộc họ phải ra khỏi phần đất tranh chấp nhằm trả lại mặt bằng cho ông S. như án đã tuyên.

Ông S. được tuyên hưởng hơn 3.300 m2 đất. Tuy nhiên, khu đất tranh chấp thực tế không còn đủ diện tích này, bởi lẽ có khoảng 500 m2 đất đã bị thu hồi để mở rộng đường Trường Chinh. Nếu trừ đi diện tích đất mà ông S. đã cắt bán cho các hộ thì diện tích đất chỉ còn lại khoảng 2.000 m2.

Cơ quan thi hành án còn cho rằng hai cấp tòa không định giá tài sản tranh chấp mà tuyên buộc ông Q. chịu hơn 28 triệu đồng án phí sơ thẩm là không phù hợp luật định. Từ những phân tích trên, Thi hành án dân sự TP.HCM đã kiến nghị xét lại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm