Xin nhận con của người khác, phải làm sao?

Tháng 4-2015, một tòa án đã ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa ông T. và bà A. Quyết định này chỉ ghi hai ông bà có con chung là cháu C. và giải quyết phần nuôi dưỡng cháu C. (không đề cập gì đến cháu D. do các đương sự không khai báo).

Sau đó ông M. xuất hiện xin nhận cháu D. là con. Sở Tư pháp tỉnh này bèn xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền đăng ký việc xác nhận cha, mẹ cho con.

Mới đây Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ như sau: Do cháu D. được sinh ra khi ông T. và bà A. chưa ly hôn nên được xác định là con chung của hai ông bà. Nếu ông T. không thừa nhận con thì phải yêu cầu tòa xác định cháu D. không phải là con mình thông qua thủ tục tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, ông M. cũng có quyền thông qua thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu tòa xác định cháu D. là con mình. Tuy nhiên, quyết định ly hôn không ghi cháu D. là con chung của ông T. và bà A. Để đảm bảo quyền lợi của cháu D., Sở Tư pháp có thể hướng dẫn UBND xã có thẩm quyền vận dụng quy định của Nghị định 158/2005 để giải quyết việc nhận cha (trong hồ sơ phải có kết quả xét nghiệm ADN chứng minh cháu D. là con ông M.)…

Về mặt pháp lý, tôi lại có quan điểm khác. Theo tôi, tình tiết mới (tòa bỏ sót cháu D. khi giải quyết ly hôn giữa ông T. và bà A.) là căn cứ tái thẩm quyết định đã có hiệu lực của tòa. Khi giải quyết lại vụ việc hôn nhân, nếu tòa xác định cháu D. không phải là con của ông T. thì sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, ông M. mới có quyền yêu cầu nhận cháu D. là con. Nghĩa là cơ quan chức năng không thể thụ lý, giải quyết việc nhận con của ông M. khi chưa có bản án xác định cháu D. không phải là con của ông T.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm