Trạm thu phát sóng có gây hại?

Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (164/27/32C Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM) phản ánh: “Nhà sát bên nhà tôi có lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Do thường lên sân thượng tập thể dục nên gia đình tôi rất lo ngại sẽ bị bệnh tật từ các loại sóng đó. Bà con chung quanh cũng có những băn khoăn tương tự như chúng tôi. Mặt khác, nhà trên có sân thượng rất nhỏ nên e rằng trụ ăngten và các dây giữ trụ sẽ không bảo đảm an toàn, có thể xảy ra gãy đổ nếu có giông gió lớn”.

Theo bà Hồng, mặc dù cho thuê tầng trên cùng để đơn vị viễn thông lắp đặt trạm BTS nhưng nhà bên cạnh lại nói với bà con “chỉ lắp đặt hệ thống chống sét”. Tháng 7-2010, khi nhóm thợ chở vật tư, thiết bị đến để lắp đặt trạm thì bà con trong tổ đã phản ứng và báo cho UBND phường đến lập biên bản, buộc ngừng thi công. Cuối tháng 6-2011, lại có đội thi công đến lắp đặt ăngten, bà con cũng kéo tới ngăn cản nhưng chủ nhà đưa ra giấy phép cho xây dựng trạm do UBND quận 3 cấp.

Ông Nguyễn An Minh, Phó Chủ tịch UBND phường 7 (quận 3), cho biết: “Trước đây, khi bà con phản ứng thì phường đã cử người xuống kiểm tra và đề nghị đơn vị liên quan tạm dừng thi công để chờ ý kiến các cơ quan chức năng. Gần đây, khi nhà trên lại lắp ráp trạm BTS, phường đã đến kiểm tra và ghi nhận công trình có đầy đủ giấy phép. Hiện tại, công trình đang tạm ngưng và phường đã gửi văn bản đề nghị quận trả lời các thắc mắc của người dân”.

Trạm thu phát sóng có gây hại? ảnh 1

Một trạm thu phát sóng (BTS) đang hoạt động giữa khu dân cư. Ảnh: THÁI HIẾU

42.000 à số trạm BTS có trên cả nước. Khi các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng thông tin di động để đáp ứng việc phát triển các dịch vụ trên nền 3G thì các trạm BTS ngày càng dày đặc. Khoảng cách giữa các trạm BTS trên cùng một mạng trước đây đối với 2G ở vào khoảng 2 km thì nay rút ngắn còn 800 m.

Ông Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, giải thích: Quận đã cấp phép lắp đặt trạm BTS theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 12/2007 của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Văn bản 651 ngày 8-8-2008 của Sở Thông tin và Truyền thông có nêu: Qua các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về ảnh hưởng trường điện từ của các trạm thu phát sóng (BTS) thì chưa có bằng chứng nào cho thấy sóng từ các trạm BTS làm ảnh hưởng sức khỏe. Trường hợp có kiến nghị của dân đối với trạm BTS đang xây dựng, chưa thể thực hiện việc đo kiểm tra thì doanh nghiệp phải cam kết với chính quyền và nhân dân địa phương về việc đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam và không làm ảnh hưởng sức khỏe người dân. Sau khi trạm hoạt động, nếu không bảo đảm theo tiêu chuẩn thì phải bị xử lý theo pháp luật.

“Sắp tới, quận sẽ phối hợp với phường tổ chức họp dân để thông tin cho dân biết rõ các quy định trên. Riêng về việc xây dựng trụ ăngten, chủ đầu tư phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho công trình. Nếu chủ đầu tư không chấp hành đầy đủ thì quận sẽ hậu kiểm để xử lý theo quy định” - ông Thắng lưu ý.

Chưa ai kết luận “không an toàn”

Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), với các trạm thông tin di động có công suất phát trung bình là 20 W thì tầm ảnh hưởng là trong phạm vi bán kính 8 m tính từ tâm ăngten. Hiện nay, chiều cao trung bình của các cột ăngten là 60 m (nếu đặt trên mặt đất) và 15-20 m (nếu đặt trên nóc nhà). Vì vậy, có thể kết luận rằng người dân sống xung quanh khu vực có đặt trạm thu phát sóng điện thoại di động đều an toàn.

Công nghệ thông tin di động mà Việt Nam đang sử dụng hoàn toàn dựa trên các công nghệ mà toàn thế giới đang sử dụng và chưa có cơ sở để nói các trạm BTS gây hại cho sức khỏe con người.

(Nguồn Internet)

Chủ đầu tư cần chứng minh

 Nếu thực hiện đúng quy chuẩn cho phép (tiêu chuẩn Việt Nam), các trạm BTS sẽ không làm ảnh hưởng sức khỏe người dân. Điều quan trọng là phía lắp đặt (chủ đầu tư) phải chứng minh những thông số đo được đều nằm trong ngưỡng cho phép, có kiểm tra cụ thể rõ ràng, được công nhận của cơ quan quản lý nhà nước và quốc tế thì người dân sẽ hiểu rõ và đồng tình.

PGS-TS HOÀNG ĐÌNH CHIẾN, Trưởng khoa Điện-Điện tử Trường ĐH Lạc Hồng

Công suất phát sóng của trạm di động nhỏ hơn rất nhiều so với cột phát sóng của đài truyền hình và đài phát thanh. Tất cả trạm này đều có cường độ nhỏ hơn 10 µW/cm2. Các thông số nêu trong Tiêu chuẩn Việt Nam cũng phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Quốc tế về an toàn bức xạ không ion hóa (ICNIRP).

TS PHẠM CÔNG HÙNG, Giảng viên khoa Điện tử-Viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm