Trắng tay vì giao dịch miệng

Từ đó đến nay, bà Đ. đã đến canh tác trên đất.

Bất ngờ vướng tố tụng...

Năm 2001, theo yêu cầu của bà S., chủ đất đã lấy giấy tờ đất từ ngân hàng ra để làm thủ tục sang tên cho con bà Đ. Chồng bà S. đã đứng ra chỉ dẫn cho cán bộ đo đất và yêu cầu ghi tên con bà Đ. vào sổ địa chính. Sau đó, chính quyền đã cấp “giấy đỏ” cho con bà Đ.

Mọi việc tưởng chừng êm đẹp thì vào tháng 9-2005, bà S. làm đơn khởi kiện bà Đ. ra tòa, yêu cầu trả lại miếng đất trên cho mình. Tháng 11-2005, TAND thị xã Bến Tre đã bác yêu cầu trên của bà S. Tòa cho rằng bà Đ. chủ đất và những nhân chứng đều khẳng định việc chủ đất làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho bà Đ. là có sự đồng ý của bà S. Việc bà S. giao đất cho bà Đ. là có căn cứ. Tòa cũng cho rằng việc bà S. mua mảnh đất trên bằng giấy tay mà không làm thủ tục sang nhượng theo quy định nên việc sang nhượng này không được công nhận.

Tháng 10-2006, bà S. làm đơn khởi kiện đòi chủ đất và bà Đ. phải làm thủ tục trả lại đất cho bà. Bà S. cho rằng bà đã mua mảnh đất trên của chủ đất, hai bên đã giao đủ tiền và làm giấy tay nên mảnh đất này thuộc về bà. Bà Đ. tự ý vào chiếm phần đất của bà nhưng bà không phản ứng do còn thiếu tiền của bà Đ...

Đối với mảnh đất đã mua được 10 năm, bà Đ. buộc phải trả lại. Đối với gần 25 triệu đồng đã cho vay, bà Đ. phải kiện đòi bằng vụ án khác

Tháng 4-2007, TAND thị xã Bến Tre xử sơ thẩm, bác yêu cầu của bà S. Tòa cho rằng bà S. đã thỏa thuận giao phần đất đã mua cho bà Đ. để trừ nợ, đồng thời cũng yêu cầu chủ đất chuyển quyền sử dụng mảnh đất này cho bà Đ. Như vậy, bà S. không thể đòi lại. Không đồng ý với phán quyết trên, bà S. làm đơn kháng cáo.

Bị mất đất đã mua

Tháng 9-2007, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm vụ án. Tòa này cho rằng hợp đồng sang nhượng đất giữa chủ đất và bà S. tuy không được chồng chủ đất ký tên nhưng ông không phản đối. Hợp đồng này không lập theo mẫu và cũng không có sự chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan công chứng nhưng cả hai bên đều tự nguyện. Mục đích và nội dung của hợp đồng không trái đạo đức xã hội. Do đó, hợp đồng này không bị vô hiệu theo Nghị quyết 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và bà S. là chủ sử dụng hợp pháp của mảnh đất này. Trong khi đó, việc bà S. chuyển nhượng đất đã mua cho bà Đ. không được thể hiện bằng hợp đồng cũng như bằng bất cứ văn bản thỏa thuận nào. Do đó, tòa chấp nhận kháng cáo của bà S., buộc bà Đ. phải trả lại cho bà S. mảnh đất đang tranh chấp. Riêng số tiền mà bà S. nợ bà Đ. thì bà Đ. có quyền kiện để đòi lại.

Như vậy trong vụ việc này, người bị thiệt hại là bà Đ. Sau 10 năm mua đất và đã được cấp “giấy đỏ”, bà Đ. lại trở thành người bị mất đất. Có thể việc lấy đất cấn trừ nợ giữa bà S. và bà Đ. vào thời điểm 1997 là có thật. Tuy nhiên, do giao dịch quan trọng này chỉ được thể hiện bằng miệng nên giờ bà Đ. phải cố gắng đương đầu với nhiều rắc rối liên quan.

Mua bán đất giấy tay, không phải trường hợp nào cũng bị vô hiệu

Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn (như đất chưa có “giấy đỏ”, văn bản chuyển nhượng đất chưa được cơ quan công chứng hoặc UBND có thẩm quyền chứng nhận) nhưng sau đó đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp “giấy đỏ” mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 1-7-2004 mới có yêu cầu tòa án giải quyết thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.

(Nghị quyết 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao)

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm