Truyền thông làm gì để tránh gây bất bình đẳng giới

Chúng tôi xin chuyển đến bạn đọc một vài ví dụ cụ thể do nhóm chuyên gia của bản tin Nhặt sạn giới (thuộc dự án Giới và Truyền thông do CSAGA & Oxfam thực hiện) tìm kiếm và phân tích. Thông qua đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho giới truyền thông khi xây dựng tin, bài liên quan đến phụ nữ làm quản lý, lãnh đạo.

Cần loại bỏ khuôn mẫu kép đối với phụ nữ làm lãnh đạo

. Trong bài phỏng vấn bà Hana Đặng, Giám đốc điều hành Gold Sun, bài viết “Thất bại không thua, đầu hàng mới thua” trên báo S., phóng viên đặt câu hỏi: “Chị có nghĩ rằng xã hội quen nhìn phụ nữ dịu dàng, đảm đang, chăm sóc gia đình, chồng con chứ không quen nhìn và không có thiện cảm với phụ nữ làm lãnh đạo, quát tháo và ra lệnh”.

+ Chuyên gia bản tin Nhặt sạn giới phân tích: Cách diễn đạt như trên sẽ dẫn đến cách hiểu rằng phụ nữ làm lãnh đạo đồng nghĩa với việc đánh mất các giá trị tốt đẹp của phụ nữ khi họ quát tháo và ra lệnh. Cách hiểu này tạo cảm giác tiêu cực cho người đọc về những người phụ nữ tham gia công tác quản lý.

Truyền thông làm gì để tránh gây bất bình đẳng giới ảnh 1

Báo chí không nên tạo áp lực kép cho phụ nữ làm lãnh đạo. Ảnh: TM

. Trong bài “Nữ chính khách, trên báo P., phóng viên viết: “Đằng sau cái khát vọng ngàn đời “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ”, nơi họ vẫn là trái tim dịu dàng, nhân hậu, thủy chung và đức hy sinh của người phụ nữ”.

+ Chuyên gia bản tin Nhặt sạn giới phân tích: Rõ ràng hình ảnh nữ chính khách đang bị đòi hỏi phải vẹn toàn, vừa là người có chí lớn, vừa dịu dàng, có đức hy sinh… Cách xây dựng này có nguy cơ duy trì cái nhìn khắt khe hơn đối với nữ giới khiến họ chịu áp lực gấp đôi nam giới khi “tham chính”. Không hiểu có chủ ý hay không nhưng các bài báo viết về chính khách thường được xây dựng một cách hoàn hảo: Vừa mạnh mẽ, nam tính, vừa dịu dàng nhân hậu, nữ tính - như đó là một thuộc tính không thể khác.

Tránh lý giải nguyên nhân đổ vỡ hạnh phúc khi phụ nữ làm lãnh đạo

. Trong bài báo “Khi vợ làm sếp” đăng trên báo T., phóng viên viết: Vũ khí lớn nhất của người phụ nữ là sự dịu dàng và bên cạnh công việc, gia đình là tài sản quý giá vô cùng của bất kỳ ai. Hiểu được điều này, phụ nữ sẽ không phải đánh đổi để chọn lựa giữa gia đình và sự nghiệp; biết cách dung hòa để đạt được cân bằng - vừa có sự nghiệp vững chắc ở cơ quan, vừa có gia đình đầm ấm, hòa hợp bên người bạn đời”.

+ Chuyên gia bản tin Nhặt sạn giới phân tích: Với cách lập luận như trên, người đọc có thể hiểu rằng phụ nữ dù có thành đạt ở ngoài xã hội thì điều trước tiên và vô cùng quan trọng là họ phải hoàn thành vai trò nội trợ. Nếu không ý thức được điều đó, nguy cơ tan vỡ gia đình là do phụ nữ. Cách diễn đạt mang tính chất đổ lỗi này sẽ góp phần tạo áp lực cho cả hai giới cũng như sự phát triển tự nhiên và khám phá bản thân của mỗi cá nhân.

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm