Từ một bản án về bí mật đời tư

Cách đây chưa lâu, TAND quận 3 (TP.HCM) từng xét xử vụ kiện liên quan đến bí mật đời tư xuất phát từ một bài báo đưa thông tin về việc ly hôn của một cá nhân.

Theo bản án này, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ quyền bí mật đời tư là gì mà chỉ có một số quyền cá nhân cụ thể được pháp luật quy định phải tôn trọng như quyền bí mật đời tư (Điều 38 BLDS), quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 BLDS), bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư của người bệnh (Điều 25 Luật Bảo vệ sức khỏe), giữ bí mật của di chúc (Thông tư 1411/1996)...

Để giải quyết vụ việc, TAND quận 3 đã căn cứ Điều 38 BLDS “tạm đưa ra một định nghĩa về bí mật đời tư trên cơ sở có xem xét, đối chiếu với phong tục tập quán trong nhân dân”. Tòa định nghĩa “bí mật đời tư là bí mật của đời sống riêng tư”. Từ đó, tòa xác định việc công bố, tiết lộ những thông tin thuộc bí mật riêng tư của cá nhân trong phiên tòa xử ly hôn khi họ không muốn để lộ ra cho người ngoài phiên tòa biết là đã làm lộ bí mật đời tư của họ.

Bản án đã buộc tác giả và tờ báo phải đăng lời xin lỗi công khai vì đã đăng tải nhiều chi tiết làm lộ bí mật đời tư của ông X. và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ông. Đồng thời, tác giả và tờ báo phải bồi thường thiệt hại cho ông X.

Từ bản án nêu trên có nhiều vấn đề đặt ra.

Thế nào là bí mật đời tư?

Vấn đề bảo vệ bí mật đời tư đã được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, luật quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tuy nhiên, thế nào là bí mật đời tư? Pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng, cụ thể. Chính vì thế, thực tế đã xảy ra nhiều vụ liên quan đến nhiều người, nhất là những người nổi tiếng, nhân vật của công chúng bị xâm phạm bí mật đời tư vô tội vạ, dẫn tới nhiều tranh chấp và tòa án các cấp hết sức lúng túng khi giải quyết.

Cũng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên TAND quận 3 trong vụ án nêu trên mới phải “mày mò” để đưa ra định nghĩa như đã nêu. Vấn đề lớn hơn: Để các tòa tự định nghĩa sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất, không chuẩn. Các định nghĩa ấy cũng không đầy đủ, bao quát cho tất cả trường hợp xâm phạm bí mật đời tư. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Quy định của Hiến pháp 2013 bao quát hơn, đầy đủ hơn

Bản án nêu trên của TAND quận 3 xét xử dựa theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005.

Đến khi Hiến pháp 2013 ra đời, vấn đề quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình được quy định một cách bao quát, đầy đủ hơn trước.

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của mọi người. Tuy nhiên, để các quyền này được thực thi trên thực tế thì đòi hỏi Nhà nước cần sớm luật hóa và có các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn, phải giải thích thế nào là “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình”; cơ chế bảo vệ khi các quyền này bị xâm phạm...

Xâm phạm bí mật đời tư coi chừng bị tù

- Theo Điều 125 BLHS về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, người vi phạm bị phạt đến hai năm tù.

- Điều 8 BLTTHS quy định: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của bộ luật này”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.