Tự tiện di dời 2 ngôi mộ

“Vợ chồng tôi nát lòng nhiều tháng nay vì không biết hài cốt của đứa con hiện ở đâu. Chuyện liên quan đến chị em trong nhà nên tôi không muốn kiện cáo, sợ cha mẹ nơi chín suối buồn lòng. Thế nhưng người chị đã đào hài cốt con tôi vẫn dửng dưng” - ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, ngụ 105/2 tổ 20, khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) nói.

Mộ của con ông Hùng đã bị đào lên và san bằng.

Gia đình ông Hùng nghi ngờ tro cốt đứa con và người chị không được chôn ở mộ mới. Ảnh: TRẦN NGỌC

Hoảng hốt khi không thấy mộ con và chị

“Ngày 31-1, tôi đến nghĩa trang gia tộc để tảo mộ con trai mất cách nay 12 năm và hoảng hốt khi thấy mộ đã san bằng. Mộ của một người chị tôi gần đó cũng không còn. Cả hai mộ được di dời lên phía trên, xây nhỏ hơn” - ông Hùng kể.

Ông Hùng liền gọi điện thoại cho chị ruột là bà Nguyễn Thị Loan (66 tuổi) để hỏi cho ra lẽ. Bà Loan trước đây có nhà sát nghĩa trang gia tộc, nay đã bán và chuyển nơi khác. “Tôi hỏi lý do bốc mộ con tôi, rằng sao không báo tôi biết. Bà Loan nói mộ con tôi làm ảnh hưởng nguồn nước giếng khoan, không thể dùng nấu nướng. Còn mộ chị tôi thì di dời để làm đường đi. Bà Loan còn nói không thể hỏi ý kiến tôi vì có hỏi cũng biết chắc tôi không đồng ý” - ông Hùng kể.

Theo ông Hùng, bà Loan cho ông biết đã thuê người bốc hai mộ trên với giá hơn 23 triệu đồng rồi đem hài cốt hỏa táng ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tro cốt sau đó được chôn ở hai ngôi mộ nhỏ, có gắn bia. Để chắc chắn tro cốt con và chị tôi được chôn ở mộ mới, tôi xin địa chỉ và điện thoại người bốc mộ để tìm hiểu thêm nhưng bà Loan cứ nói không nhớ. Tôi nghi ngờ bà Loan thuê người mang hài cốt con và chị tôi bỏ chỗ khác rồi lập mộ giả”.

Cơ quan tố tụng: Chưa thể khởi tố

Do không chắc tro cốt con trai và người chị được chôn ở mộ mới nên ông Hùng không nhang khói. “Nghĩ đến vong linh đứa con và người chị là tôi không chịu nổi. Nhiều lần tôi muốn đào mộ mới để xem có tro cốt hay không, sau đó mang xét nghiệm ADN để xác định chắc chắn là của con và chị nhưng tôi không dám. Giờ tôi không biết tính sao, càng kéo dài càng đau lòng” - ông Hùng buồn bã.

Chúng tôi đã cố gắng liên hệ bà Loan qua điện thoại để hỏi rõ sự tình. Bà Loan xác nhận đã di dời hai ngôi mộ nói trên. “Mộ của con Hùng gây ô nhiễm nguồn nước. Còn mộ người chị thì di dời để miếng đất được… vuông vức. Nghĩ là chị em trong nhà nên tôi không hỏi ý kiến của Hùng trước khi tiến hành di dời hai ngôi mộ. Sau khi thiêu hài cốt con và chị của Hùng, tôi thuê người chôn tro cốt ở hai mộ mới. Khi chôn có tôi đứng đó” - bà Loan nói.

Sau khi vụ việc xảy ra, ông Hùng gửi đơn tới Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 12 đề nghị điều tra, khai quật mộ mới xây để làm rõ hài cốt của con và người chị. Ngày 23-8, Đội Điều tra tổng hợp có buổi làm việc với ông Hùng. Theo ông Hùng, đội này cho biết ba ngành công an, VKS và TAND quận 12 đã họp và thống nhất hồ sơ chưa đủ chứng cứ để chứng minh hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt của bà Loan. Khi có tình tiết mới cần xem xét thì sẽ phục hồi việc kiểm tra, xác minh theo quy định. “Đội Điều tra tổng hợp nói chưa đủ chứng cứ thì phải nói rõ chưa đủ chứng cứ gì để nếu có thể thì tôi sẽ bổ sung. Đằng này nói chung chung nên sự việc cứ kéo dài” - ông Hùng bày tỏ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Lương Văn Phương, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 12, cho biết do hài cốt con và chị ông Hùng đã thiêu thành tro nên không thể giám định ADN. Bên cạnh đó, VKSND quận 12 chưa đồng ý khởi tố vụ việc do chưa có đầy đủ chứng cứ. “Chúng tôi phải tìm cho được người đã giới thiệu bà Loan với hai người đào mộ. Chúng tôi cũng phải tìm cho ra hai người đào mộ ấy để củng cố chứng cứ. Tuy nhiên, do bà Loan đã lớn tuổi, không nhớ người giới thiệu và hai người đào mộ nên việc tìm ba người nói trên thực sự khó khăn. Chúng tôi vẫn đang ráo riết tìm kiếm những người liên quan để sớm phục hồi điều tra” - ông Phương nói.

 

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt 

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

(Điều 246 Bộ luật Hình sự 1999)

Tiêu điểm

Chỉ có thể giám định ADN khi còn xương cốt. Nếu xương cốt đã bị mục, thiêu hoặc thành tro thì không thể giám định.

BS PHAN VĂN HIẾU, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…