Tự ý đứng ra thành lập hội, có phạm luật?

Phản ánh với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Harley Việt Nam (hội những người yêu thích dòng xe mô tô Harley), cho biết đang rất lo lắng về tình trạng một số hội viên tách ra thành lập hội “chui”.

Theo đó, mặc dù tại địa bàn Hà Nội đã có Hội Harley Hà Nội, tuy nhiên thời gian gần đây, một nữ thành viên của hội này bất ngờ tách ra với ý định thành lập một hội mới, có lĩnh vực hoạt động cũng liên quan đến dòng xe mô tô cao cấp Harley.

Nữ thành viên nói trên đã tự ý kêu gọi, tổ chức hội họp, bầu và công bố kết quả các vị trí lãnh đạo của hội.

Ông Dũng lo ngại hội “chui” của nữ thành viên sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hội mình. Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn không biết việc tự ý thành lập hội như vậy có vi phạm pháp luật hay không?

Các thành viên của Hội Harley Việt Nam

Về vấn đề này, LS Giang Hồng Thanh (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng tự ý đứng ra kêu gọi thành lập một hội là vi phạm pháp luật.

Theo đó, Nghị định 45/2010 và Nghị định 33/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010 quy định rõ về hội.

Hội được hiểu là “tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Vì vậy, hội được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 5 Nghị định số 45/2010 quy định về điều kiện thành lập hội như sau: 

- Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ; có điều lệ; có trụ sở;

- Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội phù hợp với phạm vi hoạt động, ví dụ: hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức; hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức; hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức; hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức.

Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận ban này. Tiếp đó, việc thành lập hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cấp phép chứ không phải cứ muốn là tự do lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm