Tùy tiện sửa bản án (!?)

Bà M. và ông H. chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1995 và tạo dựng được một căn nhà ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Năm 2004, hai người xảy ra mâu thuẫn và ông H. đã nộp đơn xin ly hôn.

Nhập nhằng quyền lợi

Căn nhà trên do ông H. mua vào năm 2002, chưa có giấy tờ hợp lệ. Ông H. yêu cầu được trọn quyền sử dụng nhà và chịu trách nhiệm nộp thuế để làm thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu nhà. Đồng thời, ông sẽ giao cho bà M. một khoản tiền tương đương 1/2 giá trị nhà. Phía bà M. cũng yêu cầu được sử dụng (và sau này là sở hữu) nhà. Ngoài ra, bà sẽ trực tiếp trả một số nợ riêng và sẽ giao lại cho ông H. 40 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 4-2007, TAND quận 9 không công nhận hai người có quan hệ vợ chồng. Bà M. được quyền quản lý, sử dụng (và sau này là sở hữu) căn nhà sau khi thanh toán cho ông H. hơn 69 triệu đồng (giá trị 1/2 căn nhà), trả số nợ 103 triệu đồng. Không đồng ý với cách giải quyết này, ông H. đã kháng cáo.

Tháng 8-2007, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa, ông H. xin được nhận nhà. Để giúp bà M. có điều kiện trả nợ, thay vì chỉ giao lại hơn 69 triệu đồng (là giá trị của 1/2 nhà), ông H. tự nguyện giao cho bà M. 103 triệu đồng. TAND TP.HCM nhận định: Yêu cầu trên của ông H. có lợi cho bà M., vừa giúp bà M. trả được nợ, vừa giúp ông H. giữ được căn nhà để mấy cha con có chỗ ở ổn định. Trên cơ sở đó, tòa này đã có những phán quyết như sau: Căn nhà trên là tài sản chung của ông H. và bà M., mỗi người được sở hữu 1/2 giá trị nhà, đất (hơn 69 triệu đồng). Ông H. có trách nhiệm trả 103 triệu đồng cho hai chủ nợ của bà M. Sau khi thực hiện các nghĩa vụ thanh toán, ông H. được quyền quản lý, sử dụng nhà, đất trên và làm thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu nhà.

Như vậy, lẽ ra phải xác định rõ nghĩa vụ trả nợ của ông H. có đi kèm với điều kiện gì hay không (mà cụ thể là bà M. phải tay trắng ra khỏi nhà hay vẫn được hưởng hơn 69 triệu đồng) thì TAND TP.HCM lại... bỏ lửng.

Bổ sung án sai luật

Cho rằng án phúc thẩm đã tuyên mỗi người được sở hữu 1/2 nhà, bà M. ung dung đi đến Thi hành án (THA) quận 9 để xin được THA hơn 69 triệu đồng. Cuối tháng 11-2007, trong lúc THA quận đang xem xét yêu cầu trên của bà M. thì bất ngờ chủ tọa phiên tòa phúc thẩm gửi công văn đến “ngăn chặn”. Theo “thông báo sửa chữa, bổ sung bản án” của TAND TP.HCM, tuy mỗi người được sở hữu 1/2 căn nhà nhưng do ông H. đã trả nợ thay cho bà M. nên xem như ông đã thanh toán xong 1/2 giá trị căn nhà cho bà M. Sau khi ông H. thực hiện xong việc trả tiền, “bà M. có trách nhiệm giao căn nhà cho ông H.” để ông quản lý, sử dụng và làm thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu nhà. Phát hoảng với việc sẽ bị “đuổi” ra khỏi nhà vô điều kiện như nội dung của thông báo trên, bà M. đã khiếu nại.

Theo Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi tuyên án xong thì tòa không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Đành rằng việc bổ sung trên không mâu thuẫn với những nhận định xuyên suốt của TAND TP.HCM khi xử án nhưng rõ ràng nó đã “một trời một vực” với nội dung tuyên án và gây nhiều bất lợi cho phía bị đơn. Tính ra thông báo trên sai cả về hình thức lẫn nội dung.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đính chính bản án trên vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và cần được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Có thể tới đây, các tòa cũng không xử khác hơn cách xử sau cùng của TAND TP.HCM nhưng rõ ràng phương thức sửa sai nêu trên là cần thiết. Bởi lẽ án tòa thì phải luôn chặt chẽ, chính xác từng câu chữ một, hạn chế việc gây nhầm lẫn và nhất là không được gây khó cho công tác THA.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm