Vé tàu tết, mệt mỏi đến bao giờ?

Trước tiên, phải nói thẳng rằng với gia đình tôi, đi tàu vào dịp tết là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Vì đi xe đò quá nguy hiểm (tai nạn xảy ra nhiều), đi máy bay thì giá cao lại bất tiện vì quê tôi, Quảng Ngãi không có sân bay. Vì thế đến tết dù muốn hay không, gia đình tôi vẫn phải cố mua cho được mấy tấm vé tàu để về quê.

Năm nào cũng nườm nượp “cò”

Tôi sống ở Sài Gòn gần 20 năm, đã nhiều lần nếm cảnh phải chen lấn, xô đẩy từ rạng sáng đến tận trưa để mua vé tàu. Cảm giác chán ngán đến tận cổ. Những năm gần đây, khi đổi qua hình thức mua vé tàu qua mạng, tưởng sẽ bớt khổ, ai dè vẫn mệt mỏi. Chắc những ai đã từng lên mạng đặt lệnh mua vé tàu đều biết muốn đặt lệnh thành công phải trầy trật cả mấy chục lần, lại theo kiểu hên xui. Chuyện mua không được vé, mua không đủ vé, mua không đúng tuyến cứ xảy ra hoài, rất trần ai.

Vé tàu khan hiếm thế nhưng không hiểu sao năm nào cận tết thì ra khu Ga Sài Gòn cũng thấy “cò” nườm nượp, vồn vã chào mời, khách muốn đi chuyến nào cũng có vé. Trên thực tế dù có tình trạng vé giả nhưng vé thật vẫn rất nhiều. Bằng chứng là bạn bè tôi, nhiều người bỏ tiền chênh lệch 30%-40% so với giá vé gốc mua vé chợ đen vẫn về quê suôn sẻ. Điều đó chứng tỏ những tấm vé đi tàu dịp tết cho những người ở quê xa dường như đang bị “ai đó” nắm giữ, điều đình và làm tình làm tội người cần mua.

“Cò” vé rảo quanh khu vực Ga Sài Gòn chiều 15-12. Ảnh: HỒNG TRÂM

Năm nào cũng có rắc rối

Báo chí đã phản ánh nhiều về nạn vé chợ đen và đặt nghi vấn về chuyện tiếp tay giữa nhân viên bán vé với bọn “cò”. Thế nhưng hết năm này đến năm khác, chuyện này vẫn chưa được làm rõ hoặc rõ với câu trả lời là “không có câu kết”. Để giảm tình trạng “cò” vé, dịp tết Đinh Dậu 2017, giám đốc một công ty quản lý đường sắt trả lời trên báo rằng sẽ áp dụng mức phí đổi, trả vé thời gian cao điểm là 30% giá vé. Nhưng tôi e rằng khi vé khan hiếm thì dù có mua vé chợ đen với mức chênh lệch đến 50%, nhiều người dân vẫn cắn răng chi trả để được về quê đoàn tụ gia đình. Nói chung, những rủi ro, thiệt thòi vẫn do người đi tàu gánh chịu.

Tôi không hiểu được vì sao chuyện bán vé tàu năm nào cũng có rắc rối. Không hiểu được vì sao vé dịp tết cho các tỉnh miền Trung quê tôi lên đến hàng chục ngàn vé nhưng chỉ vài ba ngày đưa lên mạng đã hết sạch. Trong khi đó, những người muốn đi tàu về quê lại phải chạy đôn chạy đáo, nhờ vả khắp nơi hoặc chấp nhận mua vé chợ đen giá cao. Bản thân tôi cũng từng nhờ người thân làm trong cơ quan nhà nước đăng ký mua vé giùm. Dù mua được vé nhưng tôi không thấy vui, cứ thắc mắc hoài sao chỗ này mua được, chỗ khác lại không.

Bán vé tàu, dù bằng hình thức nào thì mục đích cũng nhằm phục vụ người đi tàu, nhất là trong dịp tết khi nhu cầu đi lại tăng cao. Do đó, khi hành khách mệt phờ, vật vạ mà vẫn không mua được tấm vé chính thống thì lỗi thuộc về ngành đường sắt. Chuyện phải có cách bán vé đơn giản hơn, thuận tiện hơn, rõ ràng, minh bạch… hơn cũng là trách nhiệm của ngành đường sắt. Nhưng với tình cảnh này, không biết đến bao giờ người dân chúng tôi mới có thêm sự lựa chọn để thoát khỏi những chuyến tàu không hiện đại mấy, giá vé không rẻ nhưng muốn mua thì rời rã cả người.

TRẦN HOÀNG NHIÊN (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…