Vì sao nhiều người dễ bị lừa khi học thi lái xe ô tô?

Trước sự việc các trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe giả mạo đang trở thành vấn đề nhức nhối, phía Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị với UBND TP.HCM về việc phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý. Theo đó, UBND TP đã ban hành văn bản yêu cầu các quận, huyện phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT TP.HCM để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giả mạo văn phòng tuyển sinh đào tạo lái xe.

Vì sao nhiều người dễ bị lừa khi học thi lái xe ô tô? ảnh 1
Nhiều học viên kéo đến một cơ sở tổ chức dạy học bằng lái ô tô nhưng không thi. Ảnh: TL

Cụ thể, các biện pháp này được nêu trong Văn bản số 9968/ SGTVT - TTS của Sở GTVT TP.HCM, ngày 31-8-2018 về việc báo cáo thực trạng hoạt động và một số kiến nghị, đề xuất để phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý đối với một số địa điểm tư vấn, giả mạo văn phòng tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn TP.

Trong văn bản này có nêu rõ hiện nay có nhiều điểm tư vấn tuyển sinh, đào tạo lái xe (không có giấy phép) vẫn âm thầm tồn tại và hoạt động là do thông thoáng trong quy định về đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Các công ty này lách luật để hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái xe khi chưa có giấy phép đào tạo lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật trong quản lý hoạt động đào tạo lái xe hiện nay chưa hoàn chỉnh, cụ thể là chưa có các quy định để quản lý và xử lý các địa điểm, phòng ghi danh giả mạo tên các cơ sở đào tạo lái xe để tư vấn tuyển sinh dưới danh nghĩa công ty tư vấn giáo dục nghề nghiệp, không phải là một cơ sở đào tạo lái xe đúng theo quy định pháp luật.

Đối với các địa điểm, phòng ghi danh giả mạo tên các cơ sở đào tạo lái xe để tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe đều có nhiều đặc điểm chung. Cụ thể, trong 9/10 phòng ghi danh không phải là chi nhánh hay văn phòng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo lái xe, song các phòng ghi danh này đều là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT TP.HCM cấp; các cơ sở này có ngành nghề kinh doanh khác nhau nhưng có tên doanh nghiệp (danh từ riêng) giống với tên các cơ sở đào tạo lái xe như Hải Văn, Thiên Tâm, An Ninh...

Đồng thời, các cơ sở này cũng không có bất kỳ giấy phép nào liên quan đến hoạt động dạy nghề, đào tạo lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp (Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT); các cơ sở có tiếp nhận hồ sơ đăng ký học lái xe nhưng chưa xác lập hành vi tổ chức đào tạo lái xe...

Trước tình trạng trên, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo cập nhật danh sách những cơ sở đào tạo và địa điểm tiếp nhận hồ sơ thi giấy phép lái xe chính thức cũng như các địa điểm, phòng ghi danh giả mạo tên các cơ sở đào tạo lái xe tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe lên trang điện tử của Sở GTVT và các địa điểm cấp đổi giấy phép lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm