Vô tư xả rác: Một hành vi xấu!

Nhiều nhất là chai nước suối, khăn giấy, vỏ bánh kẹo. Mỗi người đi đường “góp” một chút, chẳng mấy chốc rừng toàn rác.

Ở rừng quốc gia Cát Tiên tại Tân Phú (Đồng Nai) cũng vậy. Mặc dù quản lý khu du lịch đã áp dụng biện pháp hạn chế mang túi nylon vào rừng, tuy nhiên vẫn hình ảnh vỏ lon bia, lon nước ngọt, vỏ chai nhựa, vỏ bánh kẹo, thậm chí là thức ăn thừa vẫn đầy rẫy trong các hốc đá, bụi cây.

Thực ra việc thiếu ý thức, xả rác bừa bãi gần như xuất hiện khắp nơi chứ không chỉ ở hai nơi du lịch nói trên. Tôi cũng thường bắt gặp hình ảnh những thanh niên chạy xe máy sau khi uống hết ly nước mía, ly cà phê là thản nhiên thả ào xuống đường khiến đá văng tung tóe. Hay như rất nhiều điểm trong TP.HCM, mặc dù đã có biển cấm đổ rác, đổ rác sẽ bị phạt nhưng rác vẫn được người dân lén đổ khiến môi trường bị ô nhiễm, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng...

Câu chuyện trên khiến tôi nhớ đến những chuyến đi của mình đến đất nước Nhật Bản, nơi người ta hành động bằng ý thức và sự tự giác, dẫu họ cũng từng là một nước nghèo. Bằng một sức mạnh về ý thức của cả dân tộc, người Nhật khiến chúng ta phải bỏ cái vỏ kẹo vào túi cho đến khi có sọt rác, phải ôm khư khư cái chai nhựa hay lon nước ngọt rỗng cho đến khi tìm thấy nơi để bỏ chúng vào.

Sẽ rất hiếm hoi để thấy rác thải trên đường đi ở Nhật. Có chăng là ai đó vô tình làm rơi mảnh giấy, hộp bánh, cái que. Và rồi ngay lập tức người đi sau sẽ nhặt lên. Hành động ấy hẳn sẽ làm nhiều người suýt xoa nhưng thực tế đó rất đổi bình thường trong một xã hội mà phần đông đều ý thức và tự giác như thế. Vậy nên những khu rừng sinh thái, đền đài tại Nhật đều là những nơi rất sạch. Các con phố, khuôn viên trường đại học hay các khu thương mại đều tinh tươm.

GS Keizo Nomizu (ĐH Kyoto) cho biết: “Tại các hộ gia đình, người Nhật tự động phân loại rác dù hành động này chẳng mang lại cho họ đồng xu nào, thậm chí họ còn phải trả tiền dịch vụ xử lý rác thải”. Đây là chuyện bình thường, mọi người đều mong muốn môi trường họ sống sạch đẹp. Cũng vì rác được thu gom và phân loại từ các gia đình mà ngành công nghiệp xử lý rác thải, điện rác thải cũng có cơ hội phát triển. Môi trường sạch, lợi ích kinh tế tăng lên.

Hy vọng mọi người chúng ta dần dần chuyển biến ý thức để tự giác hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, góp phần làm sạch môi trường...

Đ.THIỆN (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm