Vụ cha giết con ruột: Hành vi phòng vệ chính đáng?

Luật sư Phan Ngọc Nhàn, đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk (nguyên thẩm phán xử hình sự) cho rằng ông Tân không phạm tội vì đây là hành vi phòng vệ chính đáng. Bởi điều 15, BLHS qui định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Chỉ khi nào vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì mới phạm tội. 

Trong vụ này ông Tân đã có hành vi chống trả tương xứng kịp thời với hành vi tấn công của Hải đối với cháu bé chỉ có bốn tuổi, không có khả năng tự vệ. Xét về lực lượng là tương xứng, Hải đang trong tình trạng hung hãn, có ý định tấn công nhiều người, trong khi ông Tân vì muốn bảo vệ cháu nội mình nên bằng mói giá phải cứu cháu. Về hung khí cũng tương xứng, Hải dùng dao còn ông Tân dùng cây gỗ đều là hung khí nguy hiểm có mức sát thương cao. Do đó theo luật sư Nhàn trong tình thế cấp thiết trước hành vi phạm tội của Hải, để ngăn ngừa hậu quả có thể xảy ra thì việc đánh trả của ông Tân là phòng vệ chính đáng.

Vụ cha giết con ruột: Hành vi phòng vệ chính đáng? ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Tân (cha đẻ của Hải) và cháu Long.

Tuy nhiên theo thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phải tách hành vi của ông Tân ra thành hai giai đoạn khác nhau mới có thể lập luận và xác định ranh giới giữa việc có phạm tội hay không. Thứ nhất trước tình huống Hải đang vung dao chém vào đầu cháu nhỏ mà ông Tân xông vào ngăn cản thì đó là việc làm cần thiết kịp thời và thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. Vì thực tế nếu không có sự ngăn cản này thì cháu bé sẽ mất mạng và có thể Hải sẽ dùng dao uy hiếp nhiều người khác trong đó có ông. Nhưng nếu ông Tân lấy khúc gỗ đánh trả mà đã giải thoát được cháu bé và khiến Hải lâm vào tình trạng không thể tấn công ai được nữa, thì ông Tân phải dừng lại. Lúc này có thể coi kết thúc một giai đoạn. 

Giả thiết sau khi dừng lại mà Hải tiếp tục tấn công liên tục thì việc ông vung cây đánh liên tiếp khiến Hải chết vẫn còn nằm trong giai đoạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên sau khi ông Tân đánh trả khiến Hải đã lâm vào tình trạng không thể tấn công (ví dụ bị ngã gục xuống, hoặc vùng bỏ chạy…), mà ông Tân vẫn tấn công con đến chết thì lúc này hành vi phòng vệ của ông đã chuyển sang giai đoạn phạm tội vì nó vượt quá giới hạn chính đáng. Do vậy quá trình điều tra phải phân tích thật kỹ mới có thể xác định được bản chất vấn đề. “Đây rõ là một vụ việc hết sức đau lòng, ông Tân vốn là người hiền lành và chắc chắn không có ý giết hại con trai của mình, nhưng do Hải quá hung hãn và táo tợn nên ông đành phải xuống tay…”, ông Hùng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm