Vụ cô giáo nhốt trẻ 4 tuổi vào thang máy: Cái ác bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết

Trong một lần đi du lịch, khi vào thang máy, tôi phát hiện con gái bốn tuổi của mình hoảng sợ chết khiếp. Nó cứ bám riết lấy chân tôi. Và khi tôi dắt cháu vào thang máy lần hai, cháu nhất định không chịu vào mà đứng trì lại, khóc thét lên với sự hãi hùng tột độ. Tôi hiểu cháu sợ đến dường nào.

Có lẽ cô giáo Nữ đã chưa có dịp biết được nỗi sợ hãi của một đứa trẻ bốn tuổi khi lần đầu tiên bước vào thang máy như tôi. Nhưng cái thang máy mà con tôi sợ là cái thang máy hiện đại, còn cái thang máy mà cô Nữ bỏ bé Vinh vào đó ai cũng có thể biết được nó nguy hiểm đến dường nào.

Thế tại sao cô ấy vẫn làm? Có phải do bản chất của cô ta quá độc ác?

Tương tự, trước đây không lâu từng có chuyện cô giáo mầm non dán băng keo vào miệng trẻ dẫn đến chết; cô giáo bắt trẻ úp mặt vào ca nước trong nhà vệ sinh; cô giáo lấy tô gõ lên đầu trẻ… Tại sao vậy? Có phải tất cả trường hợp bạo hành trẻ đều xuất phát từ lòng độc ác của các cô?

Thật lòng tôi không tin động cơ của các cô giáo là như vậy.

Vụ cô giáo nhốt trẻ 4 tuổi vào thang máy: Cái ác bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết ảnh 1

Cô nuôi dạy trẻ cần được đào tạo bài bản, hiểu rành mạch tâm sinh lý trẻ thơ để tránh những trường hợp đáng tiếc làm tổn thương thể chất và tinh thần của các em. Ảnh minh họa:HTD

Thông tin trên báo không nói rõ cô Nữ được học hành đến đâu, có qua trường lớp đào tạo bài bản hay không. Nhưng tôi chắc rằng một người có trình độ, được đào tạo chuyên môn khó mà có những hành xử thiếu hiểu biết như vậy. Bởi một trong những nội dung quan trọng để đào tạo “cô nuôi dạy trẻ” là môn học về tâm sinh lý trẻ thơ, về những điều nên và không nên làm với trẻ, những hành vi có thể khiến trẻ tổn thương đến thể chất và tinh thần… Có thể nội dung bài học không đề cập cụ thể chuyện “bỏ trẻ vào thang máy” nhưng trình độ của một cô giáo đủ để nhận biết hiểm nguy khi bỏ đứa trẻ một mình trong thang máy, nhất là thang máy cực kỳ nguy hiểm như mô tả ở nhà trẻ nhóm trẻ Hoa Lan.

Một người học hành qua quýt, được nhận vào giữ trẻ rồi sau đó tranh thủ đi học khóa nghiệp vụ cấp tốc vài ba tháng (cũng rất qua quýt), không được trang bị những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản… có thể là tiền đề cho những hậu quả khôn lường khi người đó chăm dạy trẻ. Có thể từ sự nhận thức kém cỏi ấy, cô giáo kia chỉ nghĩ đơn giản rằng bỏ trẻ vào thang máy để cháu sợ mà ngoan hơn, mà vâng lời hơn. Cô ta không đủ biết việc làm ấy là cực kỳ nguy hiểm, nếu không bị thương tích thì cũng hoảng loạn về tinh thần khiến tâm hồn non nớt của một mầm non có thể bị chấn thương, ảnh hưởng đến suốt đời… Nghĩa là cái ác trong trường hợp này đã vô tình được tạo ra từ sự thiếu hiểu biết của những cô nuôi dạy trẻ.

Nếu những tiên đoán trên đây là đúng thì rõ ràng cô giáo ấy đáng thương hơn là đáng trách. Điều đáng trách là ở chỗ: Không có đủ trường mầm non đúng chuẩn để trẻ thơ được vào học đàng hoàng.

THIÊN NHÂN (Chung cư Tân Sơn Nhì 1, phường 14, quận Tân Bình)

Khởi tố tội nào mới đúng?

Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 1-11, Công an quận Tân Phú đang trao đổi với VKS quận này về việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can là cô giáo Nữ về một trong hai tội là cố ý gây thương tích hoặc hành hạ người khác. Tôi tán thành việc xử lý nghiêm cô giáo bởi hành vi của cô rất đáng lên án, chỉ vì bé lười ăn mà hù dọa đưa vào cầu thang máy khiến bé bị nhiều thương tích và việc bé sống được đã là may mắn. Thế nhưng nếu khởi tố về hai tội danh trên thì tôi e là không chính xác.

Đối với tội cố ý gây thương tích, về mặt chủ quan thì tội phạm được thực hiện do cố ý. Người phạm tội ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu quả của hành vi do mình thực hiện sẽ gây thương tích cho người khác và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Trong vụ việc này, phải thấy rằng cô giáo không cố ý làm cho bé bị thương tích. Cô cũng không mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra đối với bé.

Đối với tội hành hạ người khác, mặt khách quan của tội phạm được biểu hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình. Đối xử tàn ác tức là làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần theo hướng hành hạ nhiều hơn là gây thương tích. Việc đưa bé vào cầu thang máy của cô giáo có lẽ chỉ nhằm làm cho bé sợ để không còn lười ăn chứ không nhằm vào mục đích làm cho đau đớn nói trên.

Theo báo chí thông tin, rất có thể cô giáo còn nhiều hạn chế trong việc nhận thức tâm sinh lý trẻ, thiếu phương pháp sư phạm, thiếu hiểu biết pháp luật nên mới có hành vi nông nổi và vô ý gây ra hậu quả rất đau lòng cho bé. Khi bỏ bé một mình trong thang máy, nếu cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra thì cô thuộc trường hợp có lỗi vô ý vì quá tự tin. Nếu không thấy trước khả năng xảy ra hậu quả mặc dù phải thấy và có thể thấy trước thì cô thuộc trường hợp có lỗi vô ý do cẩu thả. Đây chính là các yếu tố của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 109 BLHS. Với tội này thì tỉ lệ thương tật của nạn nhân phải từ 31% trở lên. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng em bé phải bị thương tật hơn 31%. Và nếu đúng vậy thì các cơ quan pháp luật của quận có thể khởi tố bị can về tội này.

Luật sưNGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm