Vụ lão nông đòi bồi thường oan ở Hồng Ngự (Đồng Tháp): Công an huyện chịu trách nhiệm bồi thường

Báo Pháp Luật TP.HCM các số trước có phản ánh trường hợp của ông Nguyễn Văn Thêm (Mười Thêm) ngụ khóm Long Hưng 2, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu (An Giang) từng bị Công an huyện Hồng Ngự khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Tháng 8-1990, ông bị TAND huyện Hồng Ngự xử phạt ông 12 tháng tù về tội này, đồng thời buộc ông phải giao 5.000 m2 đất nông nghiệp cho UBND huyện. Đến tháng 9-1990, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Lẽ ra phải tích cực điều tra thì công an huyện lại bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu xem xét lại vụ án, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can viện lẽ “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Cho rằng đã bị các cơ quan tố tụng của huyện Hồng Ngự xử lý hình sự oan, ông Mười Thêm đã khiếu nại đòi bồi thường. Cũng đồng ý như thế nhưng giữa TAND và VKSND huyện lại không thể thống nhất ai phải bồi thường. Theo TAND và VKSND huyện thì công an huyện có trách nhiệm bồi thường vì có lỗi kéo dài vụ án. Phía công an huyện lại đẩy trách nhiệm này sang TAND huyện với lý do cơ quan này đã xử án sai dẫn đến việc án bị hủy.

Ngày 20-6-2011, ông Lê Văn Ngà, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp, đã có công văn gửi VKSND Tối cao xác định: Tháng 5-2011, lãnh đạo VKSND, TAND và Công an tỉnh Đồng Tháp đã có cuộc họp xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Mười Thêm. Cả ba cơ quan thống nhất giao cho Công an huyện Hồng Ngự tiến hành thương lượng với ông Mười Thêm để giải quyết việc bồi thường.

Vụ lão nông đòi bồi thường oan ở Hồng Ngự (Đồng Tháp): Công an huyện chịu trách nhiệm bồi thường ảnh 1

Ông Mười Thêm với những xấp đơn kêu oan. Ảnh: HÙNG ANH

Trong quá trình thương lượng, ông Mười Thêm đã đưa ra những yêu cầu ngoài quy định của Nghị quyết 388/2003 (như đòi công an huyện bồi thường 5.000 m2 đất canh tác bị UBND huyện tịch thu, đòi bồi thường hoa lợi canh tác…) nên Công an huyện Hồng Ngự không thể chấp nhận vì thiệt hại này không do họ gây ra. Vì vậy, việc thương lượng bồi thường oan giữa công an huyện và ông Mười Thêm đã bất thành. Hiện nay, do Công an huyện Hồng Ngự đã kết thúc thương lượng bồi thường với ông Mười Thêm nên ông có quyền khởi kiện công an huyện ra tòa theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ngày 7-7, trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra xét xử án kinh tế, chức vụ, tham nhũng - VKSND tỉnh Đồng Tháp, lưu ý: Công an huyện Hồng Ngự không được từ chối trách nhiệm bồi thường oan cho ông Mười Thêm. Cấp tỉnh đã thống nhất sẽ sử dụng mức lương cơ bản mới (hơn 850.000 đồng/tháng) để làm cơ sở tính toán bồi thường những ngày bị bắt giam oan cho ông Mười Thêm. “Khi họp, chúng tôi không mời công an và TAND huyện. Không biết công an tỉnh có chỉ đạo gì khác cho công an huyện hay không chứ tại cuộc họp thì tất cả đều thống nhất nội dung nêu trên” - ông Hùng nói.

Đuổi bắt công lý

Từ bé đến lớn, ai cũng đã từng chơi trò cút bắt. Chạy trốn và tìm thấy nhau. Cuộc rượt đuổi ngắn và rất thú vị. Thế nhưng với lão nông Mười Thêm thì khác. Để đuổi bắt công lý, ông mất đến 20 năm, rất hao công tốn sức mà vẫn chưa biết có thắng nổi không.

Sau phiên tòa sơ thẩm tháng 8-1990 phạt ông 12 tháng tù, ông đã lần dò đi tìm công lý. Dẫu nhận thấy án xử chông chênh, thiếu căn cứ nhưng cấp phúc thẩm vẫn không mạnh dạn tuyên ông trắng án. Là người thấp cổ bé miệng, ông không có quyền chọn lựa nào khác ngoài việc chờ đợi, tìm kiếm. Nhưng bỏ mặc thân phận pháp lý của ông, người có thẩm quyền đã không làm điều cần phải làm trong thời hạn điều tra. Ông lại phải chạy tìm rất nhiều vòng, rất xa để được minh oan, để được bắt đền… Song công lý vẫn chưa muốn dừng trò chơi cút bắt với ông. Dẫu thừa nhận đã xử oan nhưng người có thẩm quyền lại không chịu bồi thường cho ông.

Cơ quan tố tụng địa phương như công an, tòa án có nhiều lý do để giải thích, có nhiều văn bản để biện luận cho sự kéo dài bất thường nêu trên. Nhưng với người dân, điều mà họ nhìn thấy là sự đùn đẩy qua lại, là sự vô trách nhiệm của những người được xem là đại diện cho công lý. Không một ai trên đời này có thể đạt được sự hoàn hảo nhưng tại sao đã làm sai, đã thấy sai mà không tích cực sửa? Cấp huyện có thể vì mắc mứu mà thoái thác, vì sao cấp tỉnh chỉ tự ngồi với nhau mà không cùng ngồi với cấp dưới để đả thông, để cùng nhau gỡ rối? Để rồi sờ sờ một nghịch lý: Người bị làm oan thì tiếp tục thất điên bát đảo, còn những người gây oan thì tiếp tục bình chân như vại.

Viện dẫn điều luật thì dễ nhưng để tạo sự thuyết phục, để cho dân yên lòng thì nhất định các cơ quan phải hành động bằng cả cái đầu và trái tim. Công lý phải được thực thi để xã hội thấy được rằng cái đúng luôn là đa số, là chủ đạo. Chơi trò cút bắt thì không phân biệt già, trẻ nhưng chắc chắn không ai thích chơi trò này với công lý.

THU TÂM

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm