Vụ nhặt được vàng ở Cà Mau: Rối khi người mất vàng xuất hiện

LTS: Vụ chị công nhân nhặt được năm lượng vàng ở Cà Mau giờ chót bỗng xuất hiện tình tiết mới: Có người nhận là chủ số vàng bị mất nại rằng khi mất đã trình báo đặc điểm số vàng giống số vàng chị công nhân đã nhặt được. Trường hợp này pháp luật quy định ra sao? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Luật sư LÊ THANH THUẬN, Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau:

Người nhặt và người mất chia nhau?

Đặt giả sử số vàng trên thực sự là của chị Ngân thì phải được thỏa thuận chia với chị Mai. Bởi lẽ về lý, chị Ngân đã mất quyền sở hữu số vàng này vì đã quá thời hạn một năm thông báo mà chị Ngân không xuất hiện. Về tình, số vàng là tài sản của chị Ngân bị mất nên để cho chị Mai hưởng trọn là không đạt tình. Tôi nghĩ để đạt tình thấu lý thì hai bên phải ngồi lại với nhau thỏa thuận.    

Một tiến sĩ, giảng viên luật dân sự:

Người nhặt được hưởng vì hết thời hiệu một năm

Theo tôi thì nên áp dụng Điều 239 BLDS 2005 về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu để giải quyết trường hợp này, nghĩa là chị Mai hưởng trọn.

Hết thời hiệu thì theo quy định của luật sẽ đương nhiên không được đòi tài sản, dù chỉ một ngày. Nếu chị Ngân chứng minh được những căn cứ hợp pháp để xóa thời hiệu thì mới được quyền đòi lại tài sản. Tuy nhiên, chỉ thời hiệu khởi kiện mới cho phép gián đoạn, còn thời hiệu hưởng quyền phải mang tính chất liên tục.

Theo tôi, việc trình báo coi như là vi bằng, là cách chứng minh với gia đình hai bên là mình bị mất vàng thật. Đồng thời được coi là bằng chứng để nếu vàng bị mất vì những người có hành vi chiếm đoạt bất lương thì bất cứ lúc nào chị Ngân cũng có quyền đòi lại. Việc trình báo cũng là cách để đòi lại tài sản dễ dàng trong trường hợp tài sản bị mất vì những lý do trái pháp luật khác như trộm cắp, cướp giật.

Tuy nhiên, chị Mai nhặt được thuộc trường hợp ngay tình, sự kiện pháp lý phát sinh khi chị nhặt được và cũng đã thực hiện đúng trình tự pháp luật quy định về chuyện nhặt được. Do đó, phải tính đúng thời hạn theo quy định chứ không thể để nhiều năm sau, người chủ cầm giấy trình báo mà đi đòi được.

Đây là trường hợp không xác định được chủ sở hữu động sản thì trong hạn quy định, người phát hiện được hưởng.

Tóm lại, cứ làm đúng quy định về thời hạn, vì thời hạn phải… có giới hạn chứ không phải mãi mãi được. Cho dù trễ một ngày thì người nhặt được vẫn được hưởng quyền…

Chị Phạm Tuyết Mai nói sẽ khởi kiện nếu không được chia số vàng chị nhặt được. Ảnh: TRẦN VŨ

Biên bản báo mất vàng của chị Nguyễn Thị Bích Ngân và ảnh chụp số vàng chị Ngân bị mất. Ảnh: TRẦN VŨ

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM:

Người mất được nhận lại mới công bằng

Theo Điều 241 BLDS về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên thì người nhặt được vật do người khác đánh rơi, nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp để cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì người nhặt được sẽ được hưởng theo quy định pháp luật (vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước).

Trong một năm không xác định được chủ sở hữu thì mới thuộc người phát hiện ra tài sản. Theo tôi, ngay từ khi mất vàng, chị Ngân đã trình báo, tức đã kê khai và thông báo đàng hoàng việc mình là chủ sở hữu nhưng vì lý do nào đó mà vật không còn do mình quản lý. Rõ ràng cơ quan nhà nước (nói chung) đã xác nhận được chủ sở hữu khi sau vài ngày nhận được thông báo của chị Ngân thì nhận được giao nộp của chị Mai. Tuy nhiên, chị Ngân trình báo Công an phường 8, TP Cà Mau, còn người nhặt được lại giao nộp tại Công an TP Cà Mau nên chính cơ quan công an cũng không kịp thời biết được thông tin.

Theo tôi thì nên trả lại cho chị Ngân, người mất vàng đã trình báo (nếu đúng số vàng này là của chị). Bởi:

Thứ nhất, về lẽ công bằng thì của ai nên trả về cho người đó. Người nhặt được sẽ được hưởng phần nào do có công nhặt được.

Thứ hai, tôi nhận thấy điều luật cũng còn lơ mơ ở chỗ chỉ quy định chung chung là không xác định được chủ sở hữu, trong khi trường hợp này thì người mất đã trình báo ngay. Vậy có thể hiểu việc trình báo ngay từ khi mất là xác lập quyền sở hữu không?

Theo tôi, ngày 31-8, chị Mai trưng ra văn bản thể hiện việc mất vàng, tức đã bị lố 15 ngày sau khi thời hạn một năm tìm chủ sở hữu chấm dứt. Thời điểm 31-8 được hiểu là thời điểm chủ sở hữu xuất hiện, chứ không phải là thời điểm chính thức không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận. Trường hợp này đã xác định được chủ sở hữu ngay từ khi người mất trình báo, thừa nhận mình là chủ sở hữu.

Ở Pháp, sau một năm kể từ ngày thông báo việc nhặt được tài sản thì người nhặt được chỉ được quyền chiếm giữ, khai thác hợp pháp thôi. Việc xác lập sở hữu cho người nhặt được động sản chỉ được tính sau 10 năm. Trước khi hết thời hiệu hưởng quyền mà xuất hiện người đi đòi thì phải trả cho người ta, sau khi trừ đi chi phí quản lý. Việt Nam quy định sau một năm thì là đã quá bảo vệ cho người nhặt được.

Do đó, về lý thì 50/50, còn về tình thì nên trả cho chị Ngân.

Người mất vàng trình báo từ một năm trước

Như chúng tôi đã thông tin, chị Phạm Tuyết Mai là công nhân của Nhà máy rác Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ngày 4-8-2014, trong khi phân loại rác, chị Mai nhặt được cái ví mục nát, trong đó có chứa nhiều vàng (giấy tờ trong ví đã mục nát, không nhận dạng). Sau đó Công an TP Cà Mau tạm giữ số vàng trên (gồm hai chỉ vàng 24K và 47 chỉ vàng 18K, tức gần năm lượng vàng). Công an thông báo truy tìm chủ sở hữu nhưng một năm qua không ai đến nhận. Công an TP Cà Mau đang làm thủ tục xử lý số vàng này theo hướng giao trả cho chị Mai theo Điều 241 BLDS (trả cho chị 10 tháng lương tối thiểu cộng với một nửa số tiền của năm lượng vàng trừ đi 10 tháng lương tối thiểu, phần còn lại sung quỹ nhà nước). Công an TP Cà Mau hẹn chị Mai sẽ giải quyết cho chị vào ngày 16-9.

Tuy nhiên, sau khi báo chí đăng thông tin này (cụ thể là báo Thanh Niên), trong ngày 31-8, có người gọi điện thoại đến tự xưng là người mất số vàng này. Người đó là chị Nguyễn Thị Bích Ngân, ngụ khóm 7, phường 8, TP Cà Mau. Chị đã đến Công an TP Cà Mau trình báo rằng chị là người mất số vàng mà chị Mai đã nhặt được. Theo chị Ngân, số vàng trên là do cha mẹ ruột và cha mẹ chồng chị cho trong ngày cưới. Sau ngày cưới, chị về nhà chồng ở khóm 7, phường 8, TP Cà Mau. Vào khoảng 9 giờ sáng 1-8-2014, chị phát hiện mất cái ví đựng vàng. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, chị đến Công an phường 8, TP Cà Mau trình báo. Công an đã lập biên bản tiếp nhận tin tố giác việc mất vàng của chị đúng vào thời điểm này, với số vàng vòng được cho là giống số vàng của chị Mai đã nhặt được trong Nhà máy rác Cà Mau.

Đại tá Nguyễn Quang Khởi, Trưởng Công an TP Cà Mau, cho biết: “Việc chị Ngân có phải là chủ sở hữu thực sự số vàng nói trên hay không chúng tôi còn đang xác minh làm rõ. Còn việc vì sao không phát hiện số vàng chị Ngân bị mất khi trình báo với số vàng chị Mai nhặt được thì tôi chưa biết, vì vụ này tôi giao cho cán bộ điều tra phụ trách xử lý. Và mọi việc chúng tôi đang trong quá trình giải quyết nên chưa cung cấp thông tin được”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị Ngân từ chối trả lời về sự việc. Còn chị Mai thì cho rằng nếu thực sự là vàng của chị Ngân thì chị cũng phải được chia phần. Chị Mai nói rõ: “Một luật sư đã nói cho chúng tôi biết là theo quy định của luật dân sự, hết thời hạn một năm thông báo mà không có người nhận thì số vàng thuộc về tôi. Nên nếu giải quyết trả toàn bộ số vàng cho chị Ngân thì tôi chắc chắn khởi kiện. Tôi nghĩ số vàng này phải được chia”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm