Xin phép xây dựng bị đòi 5.000 USD: Tại luật dở hay do con người kém?

Vụ xin giấy phép xây dựng bị đòi 5.000 USD và 50 triệu đồng giờ không còn là bài báo riêng của Tuổi Trẻ mà đang là mối quan tâm chung của xã hội. Từ rất lâu, nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân đi làm thủ tục nhà đất, trong đó có việc xin giấy phép xây dựng, mà vì để cho xong việc nhiều người đã tặc lưỡi cho qua. Thông qua một vụ việc vừa xảy ra tại quận Bình Tân (TP.HCM), bài báo trên của Tuổi Trẻ đã phản ánh một sự thật nhức nhối.

Khiếm khuyết của bộ máy nhân sự và cơ chế giám sát

Lý giải trên Tuổi Trẻ, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng: “Quy định của pháp luật chưa rõ ràng, phải xin ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thì mới giải quyết được hồ sơ hành chính. Đó là “khoảng hở” trong quy định pháp luật, là “điểm mù” trong áp dụng pháp luật. Lợi dụng “khoảng hở” và “điểm mù” này, công chức và nhân viên đã vi phạm công vụ, nhũng nhiễu với người dân”.

Bà Võ Thị Hiếu Hạnh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cũng có lời giải thích tương tự: “Mức thu nhập hạn chế… trong khi quy định lại có nhiều kẽ hở khiến việc kiểm tra, giám sát từng cá nhân rất phức tạp”.

Với nguyên tắc cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật quy định thì có nghĩa là nếu pháp luật không đầy đủ, không rõ ràng thì công chức, viên chức sẽ rất khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng sự khó khăn đó không thể biện minh cho việc cán bộ không tận tâm giải quyết hồ sơ cho dân và càng không thể chấp nhận đó là lý do để cán bộ đòi “lót tay”, “bôi trơn” mà nói trắng ra là đòi hối lộ. Chính vì thế những người có chức quyền buộc phải thấy rằng nguyên nhân chủ yếu của các vụ tiêu cực chính là do bộ máy nhân sự và cơ chế giám sát của cơ quan đó.

Cụ thể hơn, đó là những khiếm khuyết của quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm dẫn đến không tìm được nhiều cán bộ, viên chức thực sự có năng lực và đạo đức công vụ. Cùng với đó là những yếu kém của việc tự giám sát, kiểm tra để có thể kịp thời sàng lọc, đào thải những cá nhân không hội đủ các tiêu chuẩn làm công chức, viên chức “ăn lương của dân nên phải có trách nhiệm phục vụ dân”.

Ở chỗ này, xin nói thêm “thu nhập thấp” cũng không nên được tiếp tục xem là nguyên nhân của các vi phạm vì việc chấp nhận làm trong các cơ quan nhà nước hoàn toàn là sự tự nguyện của công chức, viên chức. Nếu tự thấy không thể sống được nếu làm việc đàng hoàng với mức lương đó thì họ có thể chọn công việc khác. Nói theo kiểu hơi gay gắt nhưng thẳng thắn của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là: “Không làm được thì xuống cho người khác làm”!

Không nên “đổ vấy” cho pháp luật

Có một thực tế cũng cần đánh động: Không phải chỉ trong các trường hợp pháp luật thiếu, mâu thuẫn thì cán bộ, viên chức mới kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ của dân. Ngay cả khi các quy định đã rõ hoặc vướng mắc đã được cơ quan có thẩm quyền ra văn bản hướng dẫn thì cán bộ, viên chức vẫn không chủ động tìm hiểu để thực hiện mà lại đùn đẩy lên cấp trên để xin ý kiến.

Vụ 5.000 USD ở quận Bình Tân là một dẫn chứng cho tình trạng này. Theo trả lời của đại diện Sở GTVT TP.HCM, đối với hai văn bản xin ý kiến của quận, cái thì Sở chỉ căn cứ vào các văn bản pháp luật có sẵn, trích dẫn điều, khoản cụ thể để quận tra cứu mà xử lý; cái thì UBND TP đã có hướng dẫn từ đầu năm 2015 và có gửi cho quận nên quận có thể áp dụng cấp phép xây dựng mà không cần phải hỏi ý kiến của Sở.

Nếu đúng là luật chưa rõ thì có thể hạn hữu phải hỏi nhưng khi luật đã rõ rồi thì tại sao còn hỏi? Hỏi do không chịu nghiên cứu, học hỏi để đáp ứng yêu cầu công việc và để có cớ kéo dài thời gian khiến người dân sốt ruột đành phải chung chi? Hay hỏi để có cớ né trách nhiệm về sau, mặc cho người dân đứng ngồi không yên với hồ sơ của mình và phải tìm cách “chạy” để không cán bộ, viên chức này thì cũng cán bộ, viên chức khác bỏ túi đậm?

Người đứng đầu và cơ quan quản lý buộc phải chịu trách nhiệm khi nhân viên, ngành mình sai phạm. Vậy nên thay vì “đổ vấy” cho pháp luật, chính quyền các nơi cần phải xác định chính xác nguyên nhân cốt tử để xảy ra vi phạm thì mới mong nạn công chức, viên chức “trấn lột” dân có cơ may giảm thiểu.

Bị đe dọa sẽ “dập” nếu không đưa tiền

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 12-11, cuối tháng 3-2015, bà Phạm Ngọc Yến (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng (GPXD) cho một lô đất thuộc phường Tân Tạo A (quận Bình Tân). Bà đã sáu lần nộp hồ sơ và phải đến tháng 10-2015 mới được cấp phép. Trong quá trình xin giấy phép gặp nhiều khó khăn, bà đã bị ông Thái Bình Quốc (nhân viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Tân, nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân) đòi 5.000 USD và 50 triệu đồng mới được “giúp đỡ”  cấp GPXD. Khi bà Yến từ chối thì ông Quốc dọa sẽ “dập” để bà không bao giờ có GPXD. Điều đáng nói là việc cấp GPXD bị kéo dài còn do Phòng Quản lý đô thị quận hai lần gửi văn bản xin ý kiến của Sở GTVT và với văn bản hỏi lần đầu thì sở này phải đến hai tháng sau mới có văn bản trả lời.

Sau khi vụ việc được Tuổi Trẻ đăng tải, ông Quốc thừa nhận có vòi số tiền trên nhưng chưa nhận tiền. Hiện ông Quốc đã bị đình chỉ công việc. Phía Sở TN&MT đang phối hợp với UBND quận Bình Tân xác minh làm rõ sai phạm, đồng thời Công an quận Bình Tân cũng tiếp nhận, điều tra vụ việc.

TS

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…