Xóm giữ xe, đòi dân trả 20 triệu

Anh Lê Viết Hà (xóm 5, Diễn Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An) có đơn cầu cứu gửi đến chủ tịch UBND xã Diễn Mỹ và huyện Diễn Châu. Anh cho biết mình bị xóm “bắt vạ” 20 triệu đồng vì thuê xe tải chở ngói đi vào đường xóm mới làm.

Bị ép hay tự nguyện nộp tiền?

Trước đó, anh Hà có thuê xe tải chở ngói về lợp nhà mới. Tuy nhiên, khi xe vừa đến cổng nhà, bốc xuống được vài trăm viên ngói thì anh Hà bị người dân ra giữ xe, yêu cầu tài xế phải bồi thường vì tự ý đi vào đường mới làm.

Con đường này do bà con trong xóm góp tiền làm, vừa hoàn thành trước đó bảy ngày. Xóm trưởng và người dân cho rằng phải sau 24 ngày xe tải lớn mới đi được để đảm bảo an toàn công trình. Tuy nhiên, đầu xóm lại không để bảng lưu ý hay cấm xe.

Ngay trong đêm, công an xã đến lập biên bản và xóm yêu cầu nhà xe bồi thường 60 triệu đồng. Gia đình anh Hà xin nếu sau này đường hư sẽ tự nguyện khắc phục nhưng nhiều người không đồng ý, buộc phải nộp tiền ngay.

“Tôi thấy sự việc căng thẳng quá, sợ mọi người đập phá xe nên trình bày hoàn cảnh rồi xin nộp 20 triệu đồng. Mọi người đồng ý, bắt chồng tiền ngay nên trong đêm tôi phải chạy đủ tiền để nộp thì xóm mới cho tài xế lái xe về” - anh Hà kể lại.

Sau khi anh Hà gửi đơn xin cứu xét, xóm đã tổ chức họp vào chiều 16-10. Trong cuộc họp, đại diện xóm cho rằng người dân đòi nhà xe bồi thường tiền nhưng anh Hà đã tự nguyện lãnh trách nhiệm. Anh Hà ấm ức: “Đúng là xóm bắt nhà xe bồi thường nhưng tôi là người thuê xe nên phải có trách nhiệm. Chúng tôi làm đơn xin cứu xét vì thấy chuyện bắt đền này là vô lý”.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã khảo sát thực tế con đường mới làm tại xóm 5. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy bề mặt con đường không bị hằn, lún, không có vết nứt.

Anh Hà (ảnh nhỏ) buồn bã kể lại sự việc và bề mặt con đường không có dấu hiệu hư hỏng nào sau khi xe tải đi vào. Ảnh: Đ.LAM

Hai cuộc họp giải quyết 20 triệu

Trong buổi họp xóm 5 ngày 16-10, bà Phạm Thị Cúc, xóm trưởng, hỏi ý kiến tập thể người dân cách xử lý số tiền 20 triệu đồng nhà anh Hà đã đóng. Một số người cho rằng “văn bản đã ghi gia đình anh Hà chịu khắc phục sự cố” nên không đồng ý trả lại tiền. Rất nhiều ý kiến được đưa ra và tranh cãi khá gay gắt, đến cuối cùng vẫn không thống nhất được cách giải quyết.

Trả lời về vụ việc này, Chủ tịch UBND xã Diễn Mỹ Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Đến cuối buổi chiều 17-10, tôi vẫn chưa nhận được đơn của gia đình anh Hà. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo xóm nếu gia đình anh Hà tự nguyện nộp tiền thì mới được, còn phạt hay bắt bồi thường như vậy là không hợp pháp”.

Sau khi lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu yêu cầu xã Diễn Mỹ báo cáo về vụ việc trên để có hướng giải quyết thì ngày 18-10, xóm 5 đã có cuộc họp thứ hai. Trong cuộc họp này, tập thể người dân đã đồng ý trả lại 20 triệu đồng cho gia đình anh Hà.

Dân không thể tự ý xử phạt

Việc người dân buộc chủ xe, tài xế bồi thường tiền khi đi vào đường làng mới làm là không đúng quy định của pháp luật. Theo quy định về xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt từ cấp xã trở lên, mức phạt thuộc thẩm quyền của cấp xã cũng không được quá 5 triệu đồng.

Như vậy, về mặt hành chính thì những người ở xóm hoàn toàn không có quyền xử phạt. Hành vi ép buộc chủ xe (hay người thuê xe) nộp phạt có thể xét dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 BLHS.

Trong vụ việc này, cũng phải xem xét đến thiệt hại của những người dân trong xóm. Đường do dân góp tiền làm mà tài xế cho xe đi vào khi chưa đảm bảo có thể làm giảm tuổi thọ của công trình. Việc bồi thường thiệt hại là quan hệ dân sự giữa xóm và chủ xe chứ không phải quan hệ hành chính để xử phạt. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì yêu cầu UBND cấp xã hòa giải, nếu vẫn không thương lượng được thì khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Luật sư LÊ VĂN HOANĐoàn Luật sư TP.HCM

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…