Xử tội vu khống, có oan không?

Theo hồ sơ, vợ chồng bà H. là đồng sở hữu chủ một căn nhà ở quận 11, TP.HCM. Năm 2001, sau khi chồng chết, bà H. bán căn nhà trên cho vợ chồng người em chồng. Hai năm sau, vợ chồng người em chồng tặng căn nhà lại cho mẹ chồng bà H.

hay không việc bán nhà?

Đến tháng 5-2005, bà H. gửi đơn tố cáo mẹ chồng, em chồng đã giả mạo chữ ký của bà để làm thủ tục chiếm đoạt căn nhà của vợ chồng bà. Bấy giờ, mẹ chồng, em chồng bà H. gửi đơn kiện ngược cho rằng bà H. đã vu khống, xâm phạm đến tinh thần và danh dự của họ.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 19-9-2006, bà H. luôn khẳng định bà không ký tên vào bất cứ chứng từ nào để bán căn nhà trên... Tuy nhiên, TAND quận 11 cho rằng bà H. đã thiếu cơ sở trong việc tố cáo người khác làm giả giấy tờ và chứng từ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà. Như vậy đã có đủ chứng cứ để kết luận bà H. phạm tội vu khống. Xét bà H. phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, không gây thiệt hại lớn, người bị hại chính là người trong gia đình của bị cáo, tòa này xử phạt bị cáo H. hai năm cải tạo không giam giữ (được khấu trừ thời gian bị tạm giam gần một năm). Bà H. đã kháng cáo kêu oan.

Chưa giám định chữ ký

Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 21-3-2007, bà H. tiếp tục cho rằng mẹ chồng và em chồng đã giả mạo chữ ký của bà để chiếm đoạt căn nhà. Bà quả quyết bản thân không hề đến phòng công chứng, không ký tên vào bất kỳ giấy tờ mua bán nào. Suốt thời gian ở bên nhà chồng, bà H. không giữ giấy tờ nhà mà gia đình chồng cất giữ. Bà H. đề nghị tòa phúc thẩm giám định chữ ký...

Tại phiên tòa, phía vợ chồng người em chồng không đưa ra được biên nhận nhận tiền bán nhà. Lời khai của vợ chồng người em chồng cũng có nhiều mâu thuẫn. Vợ khai biết chị dâu bán nhà nên đã bán căn nhà đang ở để mua căn nhà của chị dâu. Chồng khai đã bán nhà trước đó mấy tháng rồi sau đó mới mua nhà của bà H. Trên thực tế, dù thủ tục mua bán nhà thời đó rất phức tạp nhưng trong vòng một tháng, vợ chồng người em chồng đã hoàn tất các thủ tục liên quan đến cả hai căn nhà. Chưa hết, người em chồng còn khai rằng đã dồn hết tiền của mua căn nhà của bà H. để mở đại lý bưu điện nhưng sau đó lại biếu không cho người mẹ đã có nhà ở ổn định. Người mẹ chồng thì khai đã cùng cháu nội (tức con gái bà H.) đi làm giấy tờ mua bán căn nhà trên nhưng người cháu đã phủ nhận điều này...

Sau cùng, TAND TP.HCM đã quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Tòa này yêu cầu cấp sơ thẩm làm rõ một số khúc mắc trong vụ án như sau khi chồng chết, bà H. có bị bên chồng làm áp lực đánh, đuổi ra khỏi nhà hay không (theo lời bà H., bà từng gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp vụ việc này nhưng do bà không có hộ khẩu nên chính quyền đã không giải quyết). Ngoài ra, cần xác minh xem bà H. có đến phòng công chứng làm giấy tờ bán nhà hay không...

Hiện TAND quận 11 đang hoàn chỉnh hồ sơ để có thể mở phiên tòa vào thời gian tới đây.

Thế nào là tội vu khống?

Theo Điều 122 Bộ luật Hình sự, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm