Y chứng sai, giám định khó

Kết luận giám định là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan pháp luật xử lý người có hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp, việc giám định được dựa trên mức độ tổn hại sức khỏe, tính chất thương tích... do cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi nhận trên giấy chứng nhận thương tích (còn gọi là y chứng). Thế mà công tác giám định đôi khi gặp khó do y chứng sơ sài, không chuẩn xác...

Chẩn đoán sai lệch, chệch vị trí

Trong một vụ án cố ý gây thương tích tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), bị cáo cứ khiếu nại tới lui vì kết luận giám định “chỏi” với y chứng do bệnh viện T. cấp. Cụ thể, nội dung chẩn đoán ghi trong y chứng mâu thuẫn với kết quả CT-Scanner được chụp tại bệnh viện. Qua chụp CT, bác sĩ cho rằng người bị hại “gãy cung xương gò má trái”. Nhưng một tuần sau đó, y chứng lại kết luận chụp CT chưa phát hiện bất thường. Cuối cùng, căn cứ vào nhiều tài liệu liên quan, Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai đã đưa ra kết quả giám định trùng khớp với kết quả chụp CT, cho thấy người bị hại bị thương tật với tỷ lệ 29%.

Cuối năm 2007, một bé gái bị xâm hại tình dục được chuyển tới khám tại bệnh viện P. Y chứng của bệnh viện này ghi nhận màng trinh bị rách nông cũ ở một số vị trí. Tuy nhiên, theo kết quả giám định của trung tâm pháp y tỉnh thì màng trinh không hề rách. Những vị trí rách nêu trong y chứng chỉ là các nếp gấp, đường tiếp giáp.

Hay trong một vụ án tai nạn giao thông tại Biên Hòa, bệnh viện nói người bị hại bị gãy xương đòn trái nhưng kết quả giám định lại nói gãy bên phải. Đến khi khám lâm sàng và chụp X-quang thì mới biết y chứng... ghi nhầm!

Bỏ quên thương tích

Tháng 9-2008, VKS huyện Định Quán đã trả cho cơ quan điều tra huyện hồ sơ một vụ án cố ý gây thương tích với yêu cầu điều tra lại. Theo y chứng thì nạn nhân “nứt sọ chẩm phải, tụ dịch xoang hàm trái” nhưng theo kết quả giám định thì ngoài tổn thương trên, người bị hại còn bị “vỡ xương gò má trái và cung tiếp trái”.

Tương tự, anh N. (huyện Định Quán) bị người khác chém gây thương tích nặng. Chẳng rõ vì sao y chứng của bệnh viện lại ghi thiếu của anh một vết thương dài ở cẳng tay trái. Để không bị thiệt thòi, anh N. phải mất thời gian quay lại bệnh viện để được bổ sung vết thương này.

Trong một vụ án xảy ra tại huyện Xuân Lộc, chỉ vì hai chữ “theo dõi” mà vụ án bị kéo dài ba năm bởi bị cáo liên tục khiếu nại. Đến phiên xử phúc thẩm lần hai, VKS cũng chưa thể thống nhất quan điểm với tòa án. Kết luận giám định khẳng định người bị hại “gãy kín cổ xương đùi” nhưng y chứng của hai bệnh viện đều ghi “theo dõi gãy kín cổ xương đùi”. Theo VKS tỉnh, ghi theo dõi là chưa khẳng định có gãy xương hay không. Không còn cách nào khác, hội đồng xét xử phúc thẩm phải mời đại diện cơ quan giám định đến phiên tòa để trình bày thêm. Với phim X-quang kèm theo, các bên mới đồng ý là người bị hại đã bị gãy cổ xương đùi.

Bác sĩ Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai:

Y chứng đúng, giám định mới rõ

Các cơ quan tố tụng khi xử lý vụ án đều dựa vào kết luận giám định. Muốn giám định thì cơ quan chuyên môn phải căn cứ vào hồ sơ ban đầu của bệnh viện. Điều này cho thấy y chứng là tài liệu ban đầu về y tế rất quan trọng. Nếu không bám sát vào y chứng, cơ quan giám định dễ làm phát sinh những thứ a, b, c... về sau, gây khó cho quá trình tố tụng.

Rõ ràng là trong tất cả các khâu liên quan đến quá trình tố tụng, nhất là công tác sao lưu hồ sơ ban đầu, các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu cần ghi nhận thật đầy đủ, không chủ quan, không thể chỉ làm cho có.

TRÙNG KHÁNH - ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm