Chống đối cảnh sát giao thông: Vì đâu dân làm liều?

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng chống đối lực lượng CSGT ở mức độ nghiêm trọng. Trong sáu tháng đã có hai CSGT thiệt mạng khi ngăn chặn xe có dấu hiệu vi phạm, nhiều vụ lăng mạ, hành hung lực lượng chức năng ngay trên đường.

Cục CSGT (C67, Bộ Công an) đánh giá đây là tình trạng “hết sức nghiêm trọng”. Vấn đề là vì sao tình trạng này lại leo thang đến vậy?

Một CSGT bị hất văng xuống đường khi truy đuổi xe vi phạm.

Theo ý kiến của đa số độc giả gửi về báo Pháp Luật TP.HCM sau bài viết Vì sao CSGT thường xuyên bị chống đối?” đăng ngày 21-7, hầu hết cho rằng nguyên nhân là từ thái độ và cách làm việc của CSGT trong một số trường hợp gây phản cảm cho dân, đồng thời cũng do ý thức của người tham gia giao thông còn kém và hành xử chưa đúng mực.

Độc giả Anh Bay cho rằng: “Do ý thức của người tham gia giao thông kém chỉ là một phần. Các cán bộ có chứng kiến CSGT chạy băng qua đường chặn xe lấn làn không, vô cớ tuýt còi xe để kiểm tra, xử phạt khi không có bằng chứng… và cuối cùng là đưa tiền để được đi cho nhanh”.

Bạn đọc Thanh Hà Nguyễn thì thẳng thừng: “Tôi không bênh vực người chống đối CSGT nhưng nếu CSGT luôn làm đúng, không nhũng nhiễu, hành xử quang minh chính đại thì chắc chắn không người dân nào đi làm chuyện thiệt thân là chống người thi hành công vụ”.

Nhiều hình ảnh đẹp của CSGT được ghi nhận. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Một vài độc giả đưa ra góc nhìn khác như bạn Nhật Giang: “Do cánh tài xế, nhất là tài xế đường dài hạn chế hiểu biết, ý thức kém, vi phạm rất nhiều lỗi mà khi bắt sẽ đều dính phạt nặng. Họ sợ bị phạt, cộng thêm thói ngang tàng nên ra tay luôn chứ sao”.

Thực tế có khá nhiều trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ đã vượt quá giới hạn của việc tự bảo vệ quyền lợi của người dân. Nó đã bị đẩy đến mức “coi thường pháp luật, tính mạng và tài sản của người khác. Thế nhưng cánh tài xế vẫn có người làm, tôi cho đó là không hiểu biết và thiếu đạo đức” - bạn đọc VinhT nhận xét.

Đồng tình, độc giả Tinh Huynh thông tin: “Ở Hàn Quốc, nếu người vi phạm đôi co hoặc đánh lại cảnh sát tội có thể nhân lên gấp đôi, gấp ba hoặc tước quyền lái xe vĩnh viễn”.

Khó có thể kết luận lỗi thuộc về bên nào nhiều hơn nhưng trách nhiệm của công dân trước hết là phải hành xử theo pháp luật. Chống người thi hành công vụ là phạm pháp, có thể gánh hậu quả nghiêm trọng.

“Để người tham gia giao thông hiểu được điều này cần chú trọng hơn ở phần thi lý thuyết lấy bằng lái, lồng vào chương trình học các khái niệm pháp lý, ý thức của công dân đối với giao thông và CSGT” là góp ý của bạn đọc Bùi Minh Thắng.

Về phía CSGT, “chí công vô tư, đảm bảo mọi vi phạm đều xử lý theo luật một cách đúng đắn thì sẽ không có bất mãn, bất công. Kiên nhẫn, mềm mỏng và tử tế là thái độ cần có để người bị phạt tâm phục khẩu phục”, “chế độ lương bổng cho CSGT phải phù hợp, có động viên khen thưởng những tấm gương liêm chính, xử phạt nghiêm hành vi tiêu cực. Như vậy CSGT và dân sẽ đều vui vẻ làm đúng” là những giải pháp khả thi của bạn đọc CCB Huỳnh Dung và Ngô Triết trước tình trạng này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử

Vấn nạn livestream bất chấp hoàn cảnh!

(PLO)- Vừa qua vụ việc nam thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử được bàn tán xôn xao trên nền tảng livestream. Hành động này được cho là thiếu tình người, gây bức xúc. Cần có giải pháp xử lý để loại trừ.

Thói ngụy biện

Thói ngụy biện

(PLO)- Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.

Nhân chuyện facebook sập: Nếu bạn từ bỏ mạng xã hội?

Nhân chuyện facebook sập: Nếu bạn từ bỏ mạng xã hội?

(PLO)- Ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển nên mạng xã hội chiếm vị trí không nhỏ trong cuộc sống của mỗi người. Mạng xã hội mang đến niềm vui, giải tỏa căng thẳng nên không ít người “nghiện”. Vậy nếu bạn từ bỏ mạng xã hội thì điều gì sẽ xảy ra?