Đà Nẵng đề xuất trung ương ‘xóa sổ’ siêu dự án ‘thung lũng silicon’

Tại cuộc họp giao ban khối đảng, đoàn thể tháng 8-2015, sáng 11-9, ông Võ Ngọc Đồng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, cho biết UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu thủ tục đề xuất quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ thông tin tập trung (được kỳ vọng là “thung lũng silicon Đà Nẵng”). Đồng thời củng cố các chứng cứ pháp lý để phục vụ các tranh chấp phát sinh. Cụ thể Sở TN&MT đang gửi hồ sơ lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương trước khi trình UBND TP quyết định việc thu hồi đất; Sở KH&ĐT cũng đang hoàn chỉnh các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Trước đó tại kỳ họp vào đầu tháng 7-2015, HĐND TP Đà Nẵng đã ra nghị quyết thu hồi các dự án chậm triển khai này. Dự án này được xác định có tổng mức đầu tư là 278 triệu USD với hy vọng biến TP Đà Nẵng trở thành “thung lũng silicon”. Nhưng sau khi khởi công từ năm 2013, hiện nay Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates (Mỹ) - chủ đầu tư dự án, đã “bỏ của chạy lấy người” và dự án giậm chân tại chỗ, trong khi TP Đà Nẵng đã phải bỏ ra không dưới 50 tỉ đồng để đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân.

Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng đã “đứng bánh” sau khi khởi công rầm rộ năm 2013. Ảnh: LÊ PHI

Cũng tại cuộc họp này, việc tái lập bộ máy HĐND các quận, huyện, phường đã được Thành ủy Đà Nẵng đem ra thảo luận. Ông Võ Văn Thương (Bí thư Quận ủy Hải Châu) lo lắng về việc tái lập này. “Trước đây TP được trung ương thí điểm không tổ chức HĐND tại quận, huyện, phường. Nhưng bắt đầu từ ngày 1-1-2016 khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thì TP lại phải tái lập HĐND tại các đơn vị hành chính trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn từ trung ương nên TP Đà Nẵng đang rất lúng túng. Nếu không có sự chuẩn bị trước về bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất thì đến khi tái lập HĐND ở quận, huyện, phường sẽ không biết hoạt động ra sao, trụ sở đâu mà làm việc” - ông Thương nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Nho Trung (Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) cũng cho rằng TP cần phải chuẩn bị kỹ về bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất để không bị động. “Cần phải nghiên cứu, tính toán để UBND huyện Hoàng Sa tới đây sẽ hoạt động như thế nào. Bổ nhiệm cán bộ của huyện ra làm sao. Chứ để đến khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực mà không chuẩn bị trước sẽ rất thụ động” - ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm