Dân lãnh đủ vì cuộc đua nâng đường - Bài 1: Mặt tiền, trong hẻm đều khổ

LTS: Quá nửa diện tích của TP.HCM có cốt nền dưới 1,5 m trong khi quy hoạch chống ngập xác định cốt nền chuẩn của TP là 2 m. Điều này dẫn đến hàng loạt tuyến đường, hẻm nhánh phải nâng cao khiến hàng triệu người dân “méo mặt” do nhà bỗng dưng biến thành “hang”.

Người dân sống dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí, Lò Gốm (quận 6), quốc lộ 50 (Bình Chánh), Phạm Thế Hiển (quận 8)… đang rất khổ sở vì đột nhiên nhà trở thành hầm.

Nâng nền nhà 1 m cũng chưa yên

Nhiều tuyến đường ở quận 6 vừa được nâng cao để chỉnh trang và chống ngập. Khi dự án hoàn thành, hàng trăm căn nhà của người dân địa phương bỗng nhiên biến thành “hầm” do mặt đường cao ngang… cửa sổ. Chỉ mỗi việc ra vào nhà đã gây rất nhiều bất tiện cho gia chủ, nói gì đến khai thác mặt bằng để kinh doanh, buôn bán. Trời nắng còn đỡ, trời mưa hay triều cường họ còn mệt mỏi hơn vì nước thoát không kịp nên đổ hết vào nhà.

Một số gia đình do không có tiền sửa chữa hay xây mới đành rao bán nhà. Số còn lại buộc phải tìm đủ mọi cách để thích nghi. “Nhà tôi cũng như hàng trăm căn nhà xung quanh giờ tự nhiên bị “lún” hơn 1 m so với mặt đường. Sinh hoạt của gia đình gần như đảo lộn. Để đi lại và dắt xe ra vào, tôi đã phải hàn một bục dắt xe dài gần 2 m, đặt dốc ngược vào nhà” - bà Tô Thị Giản, ngụ 1086 Lò Gốm, quận 6, than thở.

Nhà sát bên, bà Tô Ánh Hoa, em gái bà Giản còn khổ sở hơn bởi bà bị tai biến, lâu nay đi lại rất khó khăn nhưng vẫn cố tự xoay xở được. Nhưng giờ mỗi khi muốn ra khỏi nhà, bà Hoa phải cần có người dìu, bất tiện đủ điều. Tương tự, nhà ông Vũ Ngọc Phan (3329 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8) đã được nâng lên bốn lần song hiện vẫn thấp hơn mặt đường 0,8 m. Ông Phan nay đã ngoài 80 tuổi, chân yếu nên mỗi khi có việc ra ngoài ông phải vất vả cả chục phút mới leo được từ “hầm” lên mặt đất.

Không chỉ các hộ dân ở mặt tiền, việc nâng đường cũng khiến người dân sống trong hẻm gặp phải nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Đa phần các hộ sống tại khu vực ngập nước đều bị cuốn vào “cuộc đua” nâng đường - nâng nền nhà. Có những trường hợp đã nâng nền nhà gần chục lần vẫn… thua.

Căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Mai Huyền (hẻm 593 đường Hậu Giang, phường 11, quận 6) hiện thấp hơn mặt hẻm hơn 0,6 m. “Trước đây, tôi đã nâng nền nhà lên gần 1 m để “đua” theo chiều cao của hẻm. Nhưng khi tuyến đường Nguyễn Văn Luông được nâng lên thì các tuyến hẻm cũng được nâng theo, trong đó con hẻm nhà tôi nâng lên khoảng 1,5 m. Vậy là nhà tôi lại tiếp tục thành hầm” - bà Huyền ngán ngẩm.

Dân lãnh đủ vì cuộc đua nâng đường - Bài 1: Mặt tiền, trong hẻm đều khổ ảnh 1

Bà Tô Thị Giản (1086 Lò Gốm, phường 7, quận 6, TP.HCM) ngao ngán vì nhà bà thụt xuống cả mét sau khi đường được nâng lên. Ảnh: V.HOA

Dân lãnh đủ vì cuộc đua nâng đường - Bài 1: Mặt tiền, trong hẻm đều khổ ảnh 2

Ông Vũ Ngọc Phan (đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP.HCM) bên chiếc máy bơm dùng để bơm nước ra ngoài mỗi khi có triều cường. Ông đã ngoài 80 tuổi, chân yếu nên gặp nhiều khó khăn khi đi từ nhà ra đường. Ảnh: V.HOA

Lắp máy bơm hút nước

Sau khi nâng nền, hầu hết tuyến đường đều hết ngập do mưa và triều cường. Đơn giản vì lúc này nước từ ngoài đường đã trút hết vào nhà dân. “Trước khi nâng đường, nhà dân trong hẻm còn ngập ít. Đến khi đường làm xong, nước chảy hết vào hẻm, nâng hẻm xong thì nước đổ dồn vào nhà dân, vậy là đường… hết ngập. Nhiều hôm nước ngập sâu, cả nhà phải thức trắng đêm để di tản đồ đạc, tát nước ra ngoài” - bà Huyền nói.

Tương tự, ông Vũ Ngọc Phan (3329 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8) cho biết: Từ khi đường Phạm Thế Hiển được nâng lên, mỗi khi mưa hay triều cường là nhà ông lại ngập sâu. Ông đã phải lắp máy bơm để bơm nước ra ngoài.

Việc nâng hẻm cũng gây ra nhiều chuyện khá kỳ dị. Số là do kinh phí địa phương có hạn, nhiều tuyến hẻm không được nâng kịp thời theo mặt đường chính. Để chống ngập, nhiều nơi người dân phải tự đóng góp để nâng hẻm. Nhưng vì tự nguyện đóng góp nên có người đóng, có người không. Điều này cũng tạo ra những con hẻm trồi - lún rất ngộ nghĩnh. Đơn cử là con hẻm nội bộ nằm sát nhà ông Vũ Ngọc Phan (3329 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8) có khoảng chục gia đình. Khi đường Phạm Thế Hiển được nâng cao, người dân trong hẻm quyết định góp tiền nâng hẻm song có hai hộ ở đầu hẻm không đồng ý. Kết quả là cuối hẻm được nâng cao, trong khi đoạn đi qua hai hộ trên thấp võng sâu xuống khoảng 1 m. Con hẻm tự nhiên trông “không giống ai” và đoạn võng này trở thành rốn ngập của hẻm.

Đường nâng, buộc hẻm phải “đua theo”

Khi tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (được đổi thành đường Phạm Văn Đồng) hình thành, các đường nhánh nối vào tuyến đường Phạm Văn Đồng trên địa bàn quận Bình Thạnh và Thủ Đức bị “nhấn” sâu xuống. Điều này dẫn đến nhiều nơi không thể đấu nối cống thoát nước được do cống giữa đường lớn và đường nhỏ chênh nhau quá cao. Dự kiến tổng kinh phí xây mới hệ thống thoát nước và nâng cao nhiều tuyến hẻm ở quận Bình Thạnh và Thủ Đức cần tới hơn 20 tỉ đồng.

Quốc lộ 50 làm xong thì nhà dân dọc theo đường đều thấp hơn đường. Trong năm 2014 đã có khoảng 530 trường hợp đề nghị sửa nhà, nâng nền, nâng mái.

Theo chương trình nông thôn mới, ở xã Phong Phú có 26 tuyến hẻm dọc theo quốc lộ 50 được nâng cấp, trong đó người dân đóng góp 30%. Ban đầu chúng tôi dự định nâng cao độ các tuyến hẻm bằng cốt nền chuẩn của quốc lộ 50 để đảm bảo chống ngập về lâu dài nhưng do việc vận động người dân đóng góp gặp khó khăn nên chưa đủ kinh phí thực hiện. Do đó chúng tôi sẽ phải nâng từ từ, sau này có kinh phí sẽ làm tiếp.

Ông NGUYỄN HỮU NGHIỆP, Chủ tịch
UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm