Đặt hàng kiến trúc sư bảo tồn nhà ven kênh

“Có những đoạn cần có hành lang, có đoạn cần có đường giao thông, có đoạn sẽ giữ lại nhà và công trình sát bờ sông - đó là văn minh sông nước Nam Bộ. Nhưng giữ lại hay làm mới phải tùy thuộc vào thực tế. Nếu nhà lụp xụp không đảm bảo hạ tầng thì phải giải tỏa đi”.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết như trên xung quanh vấn đề “Có nên giải tỏa trắng nhà ven, trên kênh?” mà Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trên những số báo vừa qua.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, việc học tập kinh nghiệm quốc tế giữ lại nhà ven kênh phục vụ du lịch, kinh tế phải vận dụng phù hợp. Bảo tồn công trình kiến trúc nào phải có địa chỉ cụ thể và nó phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo về giao thông, thoát nước, bờ kè kiên cố, vấn đề môi trường...Thực tế nhiều nhà ven kênh ở TP bị cơi nới, lấn chiếm không theo quy hoạch. Đa số là nhà tạm bợ, không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Nếu cho tồn tại như vậy thì vừa không đảm bảo chất lượng sống cho người dân, vừa không đảm bảo  môi trường và cảnh quan đô thị.

Khu vực bến Bình Đông sau khi giải tỏa. Ảnh: LÊ THOA

Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở QH-KT và Hội Kiến trúc sư TP nghiên cứu, rà soát trên những tuyến kênh; xác định ranh, chỗ nào cần điểm nhấn, chỗ nào cần cầu làm điểm nhấn nghệ thuật, chỗ nào cần hành lang, chỗ nào không có hành lang… Từ đó, Sở đặt hàng cho các kiến trúc sư nghiên cứu, có đề xuất cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở TP.HCM nói chung, ở kênh Đôi, kênh Tẻ... nói riêng. Cái cũ nếu được đầu tư xây dựng đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thì giữ, còn không sẽ giải tỏa rồi lập lại quy hoạch, đầu tư hẳn những công trình, nhà ở nằm ven kênh đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan. Sau một thời gian, TP sẽ có những công trình ven kênh như ở các nước, chứ không phải tự thân nó có được.

Kinh phí khai thác quỹ đất ven kênh, sông; mở rộng giải tỏa biên, khai thác quỹ đất… sẽ lấy từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Từ nguồn vốn này có thể khai thác quỹ nhà ở xã hội (được đầu tư từ đây đến năm 2020), dự kiến có 30.000 căn để bố trí tái định cư. Riêng nguồn vốn ODA dành cho kênh Đôi, kênh Tẻ đã có đàm phán trong dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3.

Có thể giữ lại một số mảng

Trước đây, có tình trạng làm quy hoạch là xóa sạch dự án, rồi tô xanh, giữ bờ sông… Làm điều đó quá dễ nhưng thực sự tốn kém mà hiệu quả mang lại thì không mỹ mãn. Khi làm chương trình này, phải có thiết kế đô thị đàng hoàng, có sự tham gia của các nhà kinh tế, xã hội học…, không nên làm theo kiểu xóa trắng rồi đạp đổ. Trên thực tế, có một số cụm dân cư sống trên 30 năm, 40 năm thì cần khảo sát vì người ta có khả năng thích ứng với nhà ở ven kênh rạch rất cao. Nếu làm như vậy thì tiền bồi thường giải tỏa cũng bớt đi. Cuộc sống người dân cũng ổn định hơn.

Còn bài toán về môi trường thì đơn giản, rác thải thì cho người ta xả vào hệ thống thu gom có qua xử lý. Vì vậy ở ven kênh, hoàn toàn có thể giữ lại một số mảng.

Ông NGUYỄN HOÀI NAM, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm