Dự án Thanh Đa: Cần đấu thầu rộng rãi

“Đối với dự án khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, trước đây TP chủ trương chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo chúng tôi, con đường chỉ định nhà đầu tư có lẽ không thích hợp cho xu thế hiện nay nên hiệp hội ủng hộ chủ trương đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế. Vì chỉ có đấu thầu như thế chúng ta mới có cơ hội để lựa chọn được nhóm những nhà đầu tư có năng lực thực sự để thực hiện dự án quá lớn này”. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), cho biết như trên.

Liên kết nhiều nhà đầu tư

Ông Châu thông tin hiện nay có một nhóm nhà đầu tư lớn trong nước đang đề xuất với hiệp hội liên kết lại, đồng thời phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án trên. Hiệp hội đang xem xét vấn đề này để đề xuất lên UBND TP.

 “Các nhà đầu tư trong nước tuy mạnh nhưng họ cũng thừa nhận có những yếu tố cần đến sự liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế khi chúng tôi làm việc với các quốc gia có quan hệ BĐS với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, họ đều có xu hướng hình thành một nhóm nhà đầu tư với nhiều hoạt động khác nhau để cùng thực hiện một dự án” - ông Châu lý giải và cho rằng việc liên kết này sẽ tạo ra tiềm lực lớn để dự án đi vào hoạt động.

Muốn dự án nhanh chóng đi vào hoạt động, ông Châu nhận xét phải tháo gỡ từng khó khăn mà khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng, thỏa thuận bồi thường cho dân càng lâu thì dự án càng chậm.

Tuy nhiên, chủ tịch HoREA đưa ra ý kiến sẽ ủng hộ phương thức trong lúc chưa chọn được nhà đầu tư thì để cho dân tự sửa chữa nhà, khi chính thức công bố dự án thì dừng lại và thương lượng giải phóng mặt bằng.

Gần ba thập niên, người dân khu Bình Quới-Thanh Đa vẫn sống trong cảnh chờ đợi ngày chính thức triển khai dự án. Ảnh: HTD

Đồng quan điểm, TS-KTS Võ Kim Cương, cựu phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng cho rằng nên chọn phương án nhiều chủ đầu tư sẽ dễ huy động nguồn lực hơn. Tuy nhiên, trong phương án này Nhà nước phải đứng ra đầu tư trước cơ sở hạ tầng cơ bản như các trục đường chính, tức làm chủ chung khu dự án. Nếu không làm tốt tổng thể ban đầu thì sẽ không thể nào quy hoạch chi tiết bên trong.

“Muốn dự án đi vào thực thi một cách nhanh chóng cần làm tổng thể trước xong rồi mới chia nhỏ cho các nhà đầu tư để tránh phá vỡ cơ sở hạ tầng. Người làm tổng thể trước có thể là Nhà nước hoặc một nhà đầu tư đủ tiềm lực về vốn và khả năng quy hoạch, sau khi quy hoạch chi tiết thì phân cho nhiều nhà đầu tư khác đấu thầu. Chứ khó có thể giao toàn thể dự án hơn 400 ha cho một chủ đầu tư được” - ông Cương nói.

Theo ông Cương, đây là một bài toán kinh tế cần cân nhắc hài hòa mà Nhà nước không cần bỏ ngân sách, thay vào đó có thể ứng hoặc vay từ một quỹ nào đó. Làm xong cơ sở hạ tầng, khi giao lại quỹ đất các nhà thầu đấu thầu sẽ thanh toán lại số tiền Nhà nước đã ứng ra. Điều này sẽ tăng tính khả thi cho dự án đã treo gần ba thập niên qua.

Ông Cương khẳng định đây là dự án cần có lộ trình lâu dài, công phu và tâm huyết. “Thực ra dự án treo này không có gì gọi là ảnh hưởng kiến trúc chung vì nó là một khu đất trống, lại có nhiều cây xanh, tính sinh thái cao. Điều đáng lo ngại là khu đất nằm trong diện quy hoạch treo quá lâu khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, khổ cực” - ông Cương bày tỏ.

Một hay nhiều nhà đầu tư?

Trước vấn đề trên, GS Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ TN&MT, cũng cho rằng nên đấu thấu và cho đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. Quá trình đấu thầu sẽ cho biết cách thức quyết định nên thực hiện như thế nào. Không có nguyên tắc nào quy định trường hợp nào nên chia nhỏ cho các nhà đầu tư, trường hợp nào chỉ định chọn một nhà đầu tư.

Ông Võ nêu quan điểm dù chọn một hay nhiều nhà đầu tư thì phải xem các nhà đầu tư ấy có tiềm lực hay không. Nếu chúng ta tạo ra được những lợi ích để lôi kéo các nhà đầu tư chiến lược thì một nhà đầu tư vẫn có thể làm được nếu họ thực sự đủ tầm.

“Tuy nhiên ở Việt Nam, các nhà đầu tư lớn có xu thế tránh đụng độ nhau trong một dự án, tức là nếu anh lớn này nhảy vào dự án đó thì anh lớn khác sẽ có xu hướng né tránh. Đó cũng là mặt khó khăn trong việc lựa chọn nhiều nhà đầu tư lớn cùng tham gia đấu thầu” - ông Võ nhận định.

Qua đó, ông Võ cho rằng TP nên quảng bá rộng rãi yêu cầu của mình cũng như đưa ra các lợi ích về dự án này để thu hút nhà đầu tư.

“Nếu phương án 1 nhà đầu tư tham gia dự án thất bại thì mới chia nhỏ dự án ra để lựa chọn nhiều nhà đầu tư, mà mỗi nhà đầu tư sẽ nhận quy hoạch vào một phần nhất định của dự án. Lúc này TP phải đứng ra quy hoạch chung để tránh tình trạng các nhà đầu tư xảy ra mâu thuẫn. Và ban phụ trách dự án của TP cũng phải đứng ra duyệt các bản quy hoạch chi tiết của các nhà đầu tư này” - ông Võ phân tích.

Trong khi đó, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, lại cho rằng: “Không nên tách hay phân nhỏ dự án mà chỉ nên chọn một nhà đầu tư cho dự án. Vì càng tách ra thì càng phụ thuộc vào nhiều người và sẽ không kiểm soát được tình hình. Còn về vấn đề đấu thầu hay chỉ định, theo tôi phải đấu thầu. Việc đấu thầu này phải diễn ra ở quy mô lớn, tức trong nước và nước ngoài”.

Trước câu hỏi liệu đầu tư vào Thanh Đa có nhiều rủi ro như phải nâng cấp nền, đất, xây cầu, xây đê bao quanh để chống triều cường thì ông Phương nhận định TP đã đầu tư khép kín hệ thống đê bao quanh sông Sài Gòn. Cái khó ở đây là do quy mô dự án quá lớn và yếu tố giải phóng mặt bằng.

Ông Phương cũng cho hay: “Quá trình đấu thầu sẽ kéo dài hơn hai năm rưỡi, trong thời gian này làm sao phải giải quyết các nhu cầu cần thiết của gần 4.000 hộ dân nơi đây như sửa, xây dựng nhà ở, hệ thống giao thông…

Nếu 5 năm không thực hiện phải xem lại

TP.HCM đã ban hành chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020. Trong đó có nội dung những dự án bất động sản đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai theo cam kết hoặc theo giấy phép sẽ bị thu hồi. Đối với các đồ án quy hoạch quá năm năm không thực hiện phải rà soát, xem xét lại tính khả thi. Trường hợp không thể thực hiện được phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng.

Câu chuyện chúng ta đi tìm nhà đầu tư và đưa vào thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng nỗi lòng người dân thì đã chờ đợi quá dài. Phải cho họ sửa chữa, xây mới, bán đất… Hãy để cho họ được thực hiện quyền chủ sở hữu của mình.

Ông LÊ HOÀNG CHÂUChủ tịch HoREA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.