Giả văn bản của lãnh đạo để thổi giá đất là quá liều lĩnh

“Việc làm giả văn bản là hành động thiếu suy nghĩ và liều lĩnh đến mức độ đáng báo động. Hành vi này phải bị trừng trị nghiêm khắc nhằm cảnh báo những người làm ăn theo cách chụp giựt, không trung thực, lừa dối khách hàng để tạo lợi nhuận cho mình”. trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 4-11, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định như trên.

Chiêu lừa nguy hiểm

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa phát đi văn bản chỉ đạo Công an TP khẩn trương điều tra làm rõ thông tin việc phát hiện văn bản giả nhằm tạo cơn sốt đất. Đồng thời, Công an TP cho biết đã nắm được thông tin và đang vào cuộc điều tra.

Trước đó, trên các trang mạng xã hội đăng tải Văn bản 738/2018/UBND-XDCB ngày 31-10-2018, giả mạo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký với nội dung: V/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Được biết công trình cầu nối đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị Hòa Xuân chưa có trong quy hoạch của TP. Việc làm này được cho là lừa đảo nhằm thổi giá đất khu đô thị Hòa Xuân và các khu vực lân cận.

Ông Đính cho rằng sự buông lỏng quản lý nhà nước ở địa phương đã dẫn đến hỗn loạn thị trường, làm nổ bong bóng khiến nhiều người mua đất bị lừa. “Việc những người đầu cơ đất đai dùng chiêu trò thổi giá, tung tin thất thiệt cũng đã ảnh hưởng đến thị trường rồi. Giờ họ liều lĩnh đến như vậy thì cơ quan chức năng phải làm thật mạnh, thật dứt điểm để ngăn chặn hành vi này” - ông Đính đánh giá.

Một góc khu đô thị Hòa Xuân, khu vực sẽ được hưởng lợi nếu cầu Bùi Tá Hán được xây dựng. Ảnh: TẤN VIỆT

Chưa kiểm soát chặt chẽ

Đánh giá tình hình thị trường BĐS Đà Nẵng thời gian qua, ông Đính cho hay TP cần phải có những cuộc rà soát kỹ trong hoạt động môi giới BĐS. “Chẳng hạn kiểm tra các sàn giao dịch, văn phòng nhà đất nếu hoạt động không đăng ký đúng với các quy định thì kiên quyết xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động” - ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, Hội Môi giới BĐS đã nhiều lần đề xuất Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phối hợp tăng cường công tác đào tạo và tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới nhưng hiện nay Đà Nẵng làm rất chậm. Có hàng ngàn nhà môi giới hoạt động ở Đà Nẵng nhưng người có chứng chỉ hành nghề chỉ đạt vài phần trăm.

“Những nhà môi giới vào TP hoạt động gần như không có sự kiểm soát mạnh mẽ từ địa phương, do đó họ có nhiều chiêu trò thổi giá, làm méo mó thị trường” - ông Đính lý giải.

Khuyến cáo về vấn đề lừa đảo trên, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho hay khách hàng cần tìm đến những tổ chức tư vấn môi giới có thương hiệu, uy tín đã được công bố trên hệ thống cổng thông tin của cơ quan quản lý như Sở Xây dựng, Hội Môi giới… “Cần kiểm chứng và tìm hiểu kỹ các văn bản giấy tờ pháp lý trước khi quyết định đầu tư” - ông Bình nói.

Khảo sát của Pháp Luật TP.HCM ngày 4-11, việc giao dịch BĐS tại khu vực khu đô thị Hòa Xuân, khu biệt thự Đảo Vip… (quận Cẩm Lệ) đã chững lại sau khi Đà Nẵng yêu cầu điều tra văn bản giả. Hiện giá đất nền tại đây dao động từ 1,7 tỉ đồng trở lên đối với lô 100m2; 3 tỉ đồng trở lên đối với lô biệt thự 100 m2; lô biệt thự Vip 250 m2, giá rao bán từ 6,5 tỉ đồng trở lên. 

Lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng Đà Nẵng cần căn cứ theo Nghị định 117/2015 của Chính phủ, công bố rõ tình hình thị trường BĐS, các chỉ số giao dịch, chỉ số giá bình quân các khu vực để khách hàng vào kiểm tra. Thông tin về thị trường BĐS của TP phải được đưa ra từng quý, sáu tháng và một năm.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng ngoài việc công bố các chỉ số tình hình BĐS tại TP, cơ quan chức năng cần phải tăng thêm lượng thông tin sạch cho người dân, giảm cơ hội cho những đối tượng lợi dụng vấn đề thiếu thông tin của người dân để trục lợi.

“Người dân nên tìm đến các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về đất đai để tránh trường hợp bị ma trận thông tin về nhà đất giăng bẫy. Hiện nay, nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, thông tin về quỹ đất được công bố ở các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và người dân có thể tra cứu, tìm hiểu trước khi thực hiện các giao dịch về nhà đất để bảo vệ quyền lợi của mình” - luật sư Cao nói.

Trả lời PV, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay sẽ cho rà soát, kiểm tra lại thị trường BĐS sau vụ văn bản giả để báo cáo lãnh đạo TP, qua đó sẽ đưa ra cảnh báo cho người dân.

Theo luật sư Lê Cao, hành vi giả mạo văn bản của UBND TP Đà Nẵng nếu chỉ dừng lại ở việc làm giả thì cũng đã có dấu hiệu phạm tội và có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến hai năm. Trường hợp làm giả và dùng tài liệu giả này để thực hiện các thủ đoạn nhằm trục lợi hoặc làm giả nhiều tài liệu, làm giả nhiều lần hoặc phạm tội có tổ chức … thì có thể bị phạt tù đến năm năm theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

“Trường hợp người tung tin đồn mang tính bịa đặt các vấn đề liên quan đến giá đất nhằm trục lợi thì phải đặt trong mối quan hệ với các hành vi sử dụng tin đồn này để thực hiện việc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác để xác định hành vi vi phạm. Ví dụ, dùng tin đồn sai lệch để lừa bán đất giá cao mang tính lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” - luật sư Cao phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm