Kiến nghị cho tách thửa để dân Thanh Đa bớt khổ

Sở Xây dựng ngày 18-10 đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong khu đô thị (KĐT) mới Bình Quới-Thanh Đa, một dự án “treo” kỷ lục gần ba thập niên tại TP.HCM (xem thêm Pháp Luật TP.HCM ngày 19-10).

Những đề xuất gỡ khó cho dân

Trước đó, UBND quận Bình Thạnh có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng về vấn đề này để giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực. Theo quận Bình Thạnh, KĐT Bình Quới-Thanh Đa nằm trọn trong phường 28, diện tích thực hiện dự án là gần 427 ha với 3.096 hộ dân bị ảnh hưởng. Năm 2005, dự án được TP phê duyệt quy hoạch 1/2.000.

Cũng trong năm 2005, TP phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự án liên tục nằm trong kế hoạch sử dụng đất của quận được duyệt qua các năm 2016, 2017, 2018. Chính các cơ sở pháp lý này đã ảnh hưởng đến quy định về tách thửa theo Quyết định 60/2017 của UBND TP. Theo đó, người dân trong dự án chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo nhà cửa chứ không được cấp phép xây dựng có thời hạn để xây mới.

Cụ thể, tại Quyết định 60, trường hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xác định thửa đất thuộc quy hoạch xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (bao gồm đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm để thu hồi thực hiện dự án thì người dân không được tách thửa.

Trong khi đó, Luật Xây dựng 2014 và Quyết định 26/2017 của UBND TP cũng quy định chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo, không cấp để xây mới.

Ở văn bản gửi Sở Xây dựng, quận Bình Thạnh kiến nghị cho phép tách thửa đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án KĐT Bình Quới-Thanh Đa kể từ trước ngày 14-6-2004 (thời điểm UBND TP ban hành quyết định thu hồi và tạm giao đất để thực hiện dự án). Tuy nhiên, kiến nghị này kèm điều kiện là thửa đất đó phải là đất ở. Số lượng thửa đất sau khi tách phải tương ứng với số hộ đủ điều kiện tách thửa theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định 28/2018 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.

Toàn cảnh khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quận Bình Thạnh cũng nhấn mạnh việc tách thửa chỉ giải quyết một lần. Các thửa đất mới sau khi đã tách sẽ không được tiếp tục tách lần nữa dù có đủ điều kiện theo quy định.

Cùng đó, quận kiến nghị TP xem xét cấp phép xây dựng có thời hạn cho các hộ dân tại phường 28 theo Quyết định 26 của UBND TP. Thậm chí các trường hợp đất trống cũng được kiến nghị cấp phép xây dựng tạm tùy theo tình hình thực tế và hiện trạng cụ thể. Trường hợp nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp, trên diện tích phần đất nông nghiệp (không phải đất lúa) cũng được quận Bình Thạnh kiến nghị xem xét cấp phép xây dựng tối đa là 80 m2.

Sở Xây dựng đề xuất hai phương án

Phản hồi quận Bình Thạnh, Sở Xây dựng cho rằng các đề xuất của quận sẽ giải quyết được nhu cầu trước mắt về tách thửa và xây dựng nhà ở của người dân trong dự án. “Tuy nhiên, do không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng, vượt ngoài thẩm quyền của UBND TP nên không có cơ sở để TP chấp thuận” - văn bản của Sở Xây dựng nêu.

Tụi tôi đã khốn khổ về quy hoạch treo này hàng chục năm. Bây giờ, nếu TP cho phép tách thửa và cấp phép xây dựng thì sẽ giải quyết được những khó khăn trước mắt cho người dân. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn chính quyền sớm tìm nhà đầu tư thật sự có năng lực để bắt tay làm dự án ngay. Khi đó mới giải quyết dứt điểm nỗi khốn khổ này.

Chị NTD, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Nếu TP giải quyết được nhu cầu tách thửa và cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân theo quy định thì nên sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai cho người dân. Cũng mong TP sớm triển khai quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để sớm thực hiện dự án.

Ông NGUYỄN VĂN BÌNHPhó Chủ tịch UBND phường 28, Bình Thạnh

NGUYỄN CHÂU ghi

Trong văn bản gửi UBND TP ngày 18-10, Sở Xây dựng đề xuất hai phương án để giải quyết vướng mắc của quận Bình Thạnh. Phương án 1, Sở kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Phương án 2, trước mắt rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau đó đánh giá, xác định tính khả thi của dự án để điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Từ đó làm cơ sở để người dân được thực hiện tách thửa theo QĐ 60 và được cấp phép xây dựng có thời hạn theo QĐ 26 của UBND TP.

Sở Xây dựng chọn phương án 2 vì giải quyết được nhu cầu tách thửa và cấp phép xây dựng có thời hạn theo quy định, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kéo dài. “Việc rà soát lại quy hoạch cũng giúp cho cơ quan quản lý có thể đánh giá tính khả thi về quy mô của dự án, làm cơ sở để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực phù hợp để thực hiện dự án theo quy hoạch” - Sở Xây dựng nhận định.

Đang tìm chủ đầu tư mới cho dự án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dự án KĐT mới Bình Quới-Thanh Đa kéo dài quá lâu. “Từ thời tôi còn làm ĐBQH (tại tổ đại biểu quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), người dân đã phản ánh rất nhiều rồi, đến nay vẫn không có gì thay đổi. Nếu đặt mình vào vị trí của người dân, tôi cũng bức xúc” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, trước đây TP đã xin Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư của dự án là liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai). Tuy nhiên, quá trình đàm phán, Emaar Properties PJSC không đồng ý với các điều khoản nên rút lui. Sau đó, TP đã có văn bản xin ý kiến của Chính phủ về việc chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng TP có thẩm quyền để tự quyết định dự án.

Ông Phong cho biết hiện TP đang xem xét hai hướng trong việc lựa chọn chủ đầu tư mới cho dự án: Hoặc tiếp tục chỉ định hoặc phải đấu thầu theo quy định. Về phương án chỉ định nhà đầu tư, TP đã làm việc với Bitexco và nhà đầu tư này vẫn mong muốn được thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP phải kiểm tra năng lực của tập đoàn này, “nếu Bitexco vẫn đáp ứng đủ các quy định cần thiết thì mới chọn, còn không thì phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật” - ông Phong cho hay.

Chủ tịch UBND TP nhìn nhận nếu muốn đẩy nhanh tiến độ của dự án thì thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không đáp ứng được thì phải mất 800 ngày để hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm