Làn sóng thâu tóm ngược của đại gia bất động sản Việt

Cuối tháng 9, Tập đoàn Novaland đã cùng với Công ty Bắc Nam 79 giành quyền phát triển dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước tại Đà Nẵng sau khi chủ đầu tư cũ Daewon của Hàn Quốc thoái vốn, kết thúc gần một thập niên đóng băng. Hiện dự án được tái khởi động, tên mới dự kiến đặt là Khu đô thị The Sunrise Bay.

Năm 2008, Khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty TNHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư với tổng số vốn 250 triệu USD. Trong đó, chi phí cho thiết bị và nguyên vật liệu là 50 triệu USD. Novaland đã cùng với Công ty Bắc Nam 79 mua lại cổ phần của Daewon để phát triển dự án này.

Dự án này còn có một tên gọi khác là D – City rộng 210 ha, nằm phía Tây cầu Thuận Phước của quận Hải Châu, được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị lấn biển đầu tiên tại Đà Nẵng.

Khởi công vào cuối tháng 3/2008, dự kiến việc xây dựng hạ tầng dự án sẽ hoàn tất trong 15 tháng, các hạng mục chính được đưa vào sử dụng từ 24 – 36 tháng và việc đầu tư xây dựng sẽ lần lượt hoàn tất trong vòng 10 năm.

Khu đô thị quốc tế này là dự án phức hợp gồm nhiều hạng mục liên kết với nhau như các khu resort, sân golf 18 lỗ rộng 80 ha, khách sạn cao tầng, căn hộ cao cấp có đài quan sát dọc theo vịnh để ngắm cảnh Đà Nẵng từ trên cao, chung cư 33 tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế và câu lạc bộ biển.

Khu đô thị quốc tế Đa Phước  đã về tay Tập đoàn Novaland  và  Công ty Bắc Nam 79

Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ của dự án trì trệ trong nhiều năm, chỉ dừng lại ở khâu san lấp và đã được điều chỉnh lại, giảm quy mô xuống còn 182 ha. Sau gần một thập niên đình trệ, Daewon đã rút khỏi dự án.

Hiện tại, Novaland đang tiến hành điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dự án sẽ còn khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, sân tập golf và nhà ở. Novaland sẽ ưu tiên xây dựng biệt thự, nhà phố và chức năng nghỉ dưỡng chứ không tập trung vào nhà ở cao tầng. Thời gian xây dựng dự kiến từ nay đến năm 2019.

Một thương vụ thâu tóm khác của Novaland là dự án khoảng 30 ha tại khu dân cư Nam Rạch Chiếc từ quỹ đầu tư VinaCapital. Tại Phan Thiết, Tập đoàn Rạng Đông cũng vừa hoàn tất việc chuyển nhượng tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao của tỷ phú Mỹ để làm siêu dự án Ocean Dunes. Về tay Rạng Đông, Ocean Dunes đã chứng kiến bước chuyển mình ấn tượng. Sau một tháng mở bán thăm dò thị trường, dự án bán được hơn 300 đất nền biệt thự.

Ocean Dunes là một tổ hợp biệt thự, nhà phố và khách sạn biển có quy mô lên tới 62 ha với tổng mức đầu tư lên tới 2.600 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, dự án sẽ cung ứng ra thị trường 1.515 nhà phố, biệt thự hướng biển và khoảng 5.000 căn hộ cao cấp.

Mảnh đất của dự án này đã trải qua 3 đời chủ. Đầu tiên, nó được sử dụng để xây dựng khách sạn Vĩnh Thủy. Sau đó khách sạn này về tay tỷ phú Mỹ Larry Hillblom. Sau 20 năm hoạt động, khách sạn chuyển quyền sở hữu của Tập đoàn phát triển bất động sản Vina và được đổi tên thành khách sạn Du Parc.

Cuối năm 2014, khách sạn này được sáp nhập vào quần thể resort Sea Links City, dưới sự điều hành của Tập đoàn Rạng Đông. Khách sạn này một lần nữa đổi tên thành Ocean Dunes Resort. Và mảnh đất này đã được chủ đầu tư sử dụng để phát triển dự án Ocean Dunes.

Siêu dự án Ocean Dunes đã thuộc về Tập đoàn Rạng Đông

Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Novaland cho rằng, bây giờ doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức thống lĩnh thị trường. Hơn nữa, mình là người Việt nên am hiểu thị trường Việt.

Còn ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, thì cho rằng doanh nghiệp bất động sản Việt giờ đây đã bắt đầu làm chủ, nắm phần thắng trong các thương vụ mua bán, sáp nhập với những đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có thể nói đã đủ sức cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Đây cũng là một trong những thay đổi lớn nhất trong 10 năm qua của ngành bất động sản Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định, thị trường bất động sản đang khá sôi động với các hoạt động mua bán, sáp nhập. Tại TP.HCM hoạt động này phát triển mạnh và chủ yếu dẫn dắt bởi các doanh nghiệp lớn trong nước. Qua hoạt động mua bán và sáp nhập, doanh nghiệp đã tự giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

“Hiện nay, doanh nghiệp trong nước chủ động trong việc mua bán và sáp nhập thị trường bất động sản. Doanh nghiệp Việt cũng đang thống lĩnh thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Châu khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm