Mở rộng diện tích trường học lâu đời nhất ở Sài Gòn

Ngày 28 – 10, UBND TP.HCM đã chấp thuận dự án xây dựng, mở rộng trường THPT Lê Quý Đôn tại quận 3 để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh và giáo viên. Đồng thời bảo tồn công trình di tích của TP.HCM. Theo hồ sơ thiết kế, sàn xây dựng công trình mới rộng 3.106 m2 gồm khu để xe, phòng kỹ thuật, hoạt động thể chất, sảnh sinh hoạt, nhà ăn...

Các công trình cũ sẽ bị tháo dỡ gồm khối nhà B1 2 tầng và khối E tầng trệt và lửng của lớp học hiện hữu, rộng hơn 3.000 m2 cùng 75m tường rào. Công trình sửa chữa, cải tạo là sân, tường rào, thay mới nền gạch, cửa, lan can cầu thang, hệ thống điện, cấp thoát nước...

Trường THPT Lê Quý Đôn được mở rộng sau hơn 140 năm

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 97 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.HCM. Thời gian làm công trình từ nay đến hết năm 2018. Trường THPT Lê Quý Đôn được thành lập ngày 14 – 11 – 1874 và là trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn với tên gọi ban đầu là Collège Chasseloup – Laubat.

Năm 1954, trường được đổi tên Jean Jacques Rousseau, chủ yếu dạy cho học sinh người Việt nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Năm 1967, trường đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, trường mang tên Lê Quý Đôn, được dựng tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây là một trong những di tích văn hóa của TP.HCM.

Ngoài trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM còn có 4 ngôi trường khác được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, vừa được đưa vào danh sách bảo tồn.

Trong đó, Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3 là trường dành cho nữ được thành lập năm 1913. Hai năm sau trường tuyển khóa đầu tiên với 42 nữ sinh thuộc những gia đình sống ở Sài Gòn và các vùng lân cận. Dần dần, có nhiều học sinh từ các tỉnh lên học nên trường có thêm nội trú. Đồng phục lúc này của trường là áo dài tím.

Năm 1953, đồng phục trường đổi sang áo dài trắng với phù hiệu là đóa mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp, tên trường được đổi sang tiếng Việt là Nữ Trung học Gia Long. Sau năm 1975, trường được đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay.

Thành lập năm 1918, trường THPT Marie Curie ở quận 3 được đặt theo tên nhà khoa học người Ba Lan – Pháp đoạt giải Nobel. Đây là một trong những trường lâu đời nhất của Sài Gòn và là trường duy nhất không thay đổi tên từ khi thành lập đến nay. Kiến trúc đậm chất Pháp được lưu lại trên cổng chào, từng góc cầu thang gỗ, khu vườn với đài phun nước... vẫn còn cho đến ngày nay.

Ban đầu, trường THPT Marie Curie chỉ dành cho nữ sinh

Còn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở quận 5 mang kiến trúc cổ điển kiểu Pháp. Trường được thành lập năm 1927 và là một trong 3 trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn với tên gọi là Petrus Ký. Một năm sau trường khai giảng khoá đầu tiên với 200 học sinh. Năm 1976 – 1977, trường được đổi tên thành Lê Hồng Phong.

Trường THCS Hồng Bàng quận 5 là nơi học nội trú cho con những người Pháp đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người bản xứ. Trường THCS Hồng Bàng được người Pháp xây dựng năm 1933. Nơi này sau đó trở thành một chi nhánh của trường Jean – Jacques Rousseau tại Chợ Lớn – Sài Gòn.

Đến năm 1967, người Pháp giao trường cho Việt Nam thành lập Trung tâm giáo dục Hồng Bàng. Sau năm 1975, trường đổi tên thành THCS Hồng Bàng cho đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm