Sân bay Tân Sơn Nhất rộng thêm 8 ha

“Đến năm 2030 tổng diện tích sân bay Tân Sơn Nhất từ hơn 590,48 ha sẽ tăng lên 598,11 ha. Hiện sân bay này đang quá tải nên việc mở rộng là rất cần thiết”. Ông Lại Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, cho biết như trên tại buổi công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào chiều 9-10.

Thêm cầu vượt tránh tắc nghẽn trước cổng

Quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1995. Đến nay, sân bay này đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Cùng với sự thay đổi về dự báo, nhu cầu phát triển của ngành, địa phương… thì đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được xác định là cảng hàng không quốc tế lớn nhất của cả nước. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết dự kiến sớm nhất đến năm 2018 dự án sân quốc tế Long Thành mới có thể khởi công nên nếu không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì tình trạng quá tải ở đây sẽ tăng lên. Do đó, được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay này đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 
Nhà ga, chỗ đỗ máy bay được mở rộng nhưng đường băng sân bay Tân Sơn Nhất thì không. Ảnh: GN

Theo quy hoạch điều chỉnh, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được sử dụng chung cho cả quân sự và dân dụng. Sân bay này vẫn chỉ có hai đường cất hạ cánh như hiện hữu và chỉ có một số khu vực đỗ máy bay cùng nhà điều hành được mở rộng. Ngoài ra, nhà ga hành khách và hàng hóa sẽ được cải tạo mở rộng. Đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch điều chỉnh cho biết ước tính tổng mức đầu tư xây dựng các công trình mở rộng khoảng 6.400 tỉ đồng.

Về kết nối giao thông, ông Thanh cho biết ngoài trục đường chính là Trường Sơn (hai chiều sáu làn xe) còn có trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đang được hoàn thiện với hai tuyến riêng biệt (Hồng Hà và Bạch Đằng, mỗi tuyến ba làn xe). Cạnh đó, quy hoạch bổ sung thêm một cầu vượt ở đường Bạch Đằng - Trường Sơn nhằm tránh giao cắt giữa đường ra vào nhà ga quốc tế và quốc nội. “Hệ thống sân đỗ trong khu vực sân bay cũng sẽ được quy hoạch dạng nhiều tầng, đấu nối trực tiếp với các trục đường ra vào sân bay” - ông Thanh nói thêm.

Không thể nới rộng đường băng

Trả lời câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM, việc mở rộng sân bay có ảnh hưởng đến đất đai dân sinh hay không, ông Lại Văn Thanh khẳng định toàn bộ diện tích đất mở rộng là đất quân sự. Một số PV báo, đài thắc mắc vì sao quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu xảy ra ở khu vực máy bay cất hạ cánh nhưng quy hoạch chủ yếu mở rộng phần nhà ga thì ông Thanh nói rằng với thực trạng hiện nay không thể quy hoạch tăng thêm diện tích đường băng ở sân bay này.

Theo thống kê, trong chín tháng đầu năm 2015, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tăng trưởng cao, đạt gần 19,6 triệu lượt hành khách và gần 318.000 tấn hàng hóa, tương ứng tăng hơn 18,6% về hành khách và 6,6% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy vậy, bản quy hoạch này dù mới được điều chỉnh nhưng một số chỉ tiêu đến nay đã gần đạt được, như sản lượng hành khách trong năm 2015 dự báo đạt 25 triệu hành khách. Do vậy, ông Nhật yêu cầu cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch điều chỉnh này để đáp ứng khả năng phục vụ hành khách cũng như hàng hóa trong thời gian tới. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Nhật còn đề nghị UBND TP có các giải pháp điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông quanh khu vực sân bay để phù hợp với quy hoạch đã được điều chỉnh và đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm