Sở, ngành lúng túng về ‘tiền sử dụng đất khủng’

Sau bài báo “Bị áp tiền sử dụng đất khủng, dân choáng” (Pháp Luật TP.HCM ngày 27-11), nhiều người dân tại quận Bình Tân gửi thông tin đến báo cho hay họ cũng phải đóng tiền sử dụng đất rất cao khi xin chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở.

“Chúng tôi kham không nổi”

Vợ chồng bà Trần Thị Quy, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, có hơn 1.400 m2 đất sản xuất kinh doanh tại phường Tân Tạo đã được UBND quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận năm 2011. Khu đất này có nguồn gốc là đất nông nghiệp, vợ chồng bà Quy mua lại của người dân, sau đó xin chuyển sang đất sản xuất kinh doanh và trả tiền thuê đất hằng năm cho Nhà nước. Cuối năm 2013, bà Quy có đơn xin chuyển khu đất trên sang đất ở và được phường Tân Tạo xác nhận vào tháng 1-2014. Tuy nhiên, đến tháng 2-2015 hồ sơ của bà Quy mới được quận Bình Tân giải quyết.

Tới tháng 10-2015, vợ chồng bà Quy giật mình khi biết sẽ phải đóng tiền sử dụng đất hơn 8 tỉ với hình thức giao đất ở mới. “Số tiền cao ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chắc chắn vợ chồng tôi không thể nào gánh nổi” - bà Quy buồn bã.

Tương tự, một người dân khác ở phường Bình Hưng Hòa A (xin giấu tên) có hơn 4.200 m2 đất sản xuất kinh doanh có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại phường này. Trao đổi với chúng tôi, ông lắc đầu ngao ngán bởi sẽ phải nộp tiền sử dụng đất khoảng 40 tỉ đồng theo hình thức giao đất ở mới. “Rõ ràng đất này là của tôi từ đó tới nay. Khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh, tôi phải ký hợp đồng thuê đất do pháp luật quy định nhưng bản chất thì đó vẫn là đất của tôi. Nếu Nhà nước giao đất cho tôi thì phải là đất của Nhà nước chứ?” - vị này bức xúc.

Quận Bình Tân nói gì?

Ngày 27-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Thị Kim Hiền, Phó phòng TN&MT quận Bình Tân, cho biết quận vẫn đang trong quá trình rà soát, trong tuần sau sẽ có báo cáo chính thức về các vấn đề báo nêu. Tuy nhiên, bà Hiền khẳng định các hồ sơ của người dân được thụ lý và có quyết định cho chuyển mục đích trong năm 2014 thì phải được áp dụng các chính sách thuế trong năm này.

“Tại sao quyết định cho chuyển mục đích ban hành trong năm 2014 mà phải áp theo giá đất năm 2015 thì chỉ có cơ quan thuế mới trả lời được. Đề nghị phóng viên liên hệ với Chi cục Thuế quận Bình Tân để được trả lời” - bà Hiền nói. Chiều cùng ngày, chúng tôi nhiều lần liên hệ với một lãnh đạo Chi cục Thuế quận Bình Tân phụ trách lĩnh vực này nhưng vị lãnh đạo không nghe điện thoại.

Xin ý kiến Bộ TN&MT

Một nguồn tin từ Bộ TN&MT cho hay Sở TN&MT TP.HCM vừa có công văn xin ý kiến Bộ về những trường hợp như trên là chuyển mục đích sử dụng đối với đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở hay là Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Sở cũng đề nghị Bộ có ý kiến về việc áp dụng các quy định pháp luật để tính thu tiền sử dụng đất trong những trường hợp này.

Theo Sở TN&MT, năm 2013 UBND TP đã ban hành Quyết định 18 quy định hệ số điều chỉnh giá đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở nhằm giảm bớt tiền sử dụng đất cho người dân. Cụ thể, nếu người dân nộp hồ sơ hợp lệ và được cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích thì giá đất sẽ bằng bảng giá đất x hệ số điều chỉnh. (Theo Quyết định 18, hệ điều chỉnh giá đất áp dụng tại quận Bình Tân là 1,5 lần - PV).

Sở TN&MT cho rằng tại Công văn 8415/2014, Sở Tài chính đã không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 18 và các văn bản hướng dẫn của UBND TP, thay vào đó phải tổ chức thẩm định giá để xác định giá đất. Đáng tiếc là đề xuất này của Sở Tài chính đã được UBND TP chấp thuận.

Chính vì thế, Sở TN&MT TP đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể về việc tính thu tiền sử dụng đất với những trường hợp tương tự ông Lâm Ngọc Đường (nhân vật trong bài báo ngày 27-11 của Pháp Luật TP.HCM), bởi “quan điểm áp dụng quy định pháp luật để tính thu tiền sử dụng đất giữa các sở, ngành của TP còn khác nhau và khác với hướng dẫn của bộ, ngành trung ương”.

Không phải hình thức giao đất ở

Qua nghiên cứu các quy định của Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 và các nghị định, thông tư liên quan đến việc xác định và tính thu tiền sử dụng đất, Sở TN&MT nhận định: Trường hợp của ông Lâm Ngọc Đường và các trường hợp tương tự khác là chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở (bao gồm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp) sang đất ở mà không phải là trường hợp giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Lý do là:

- Chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải đất ở sang đất ở là việc người sử dụng đất đang sử dụng đất không phải đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa được cấp giấy thì thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận trước khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

- Theo Điều 53 Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất ở mới là việc người dân có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa có đất (không phải là người đang sử dụng đất). Khu đất giao có thể không có giấy chứng nhận. Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận (như các trường hợp Pháp Luật TP.HCM phản ánh - PV) thì Nhà nước phải thu hồi và thực hiện xong việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư, sau đó mới có quyết định giao đất. Đồng thời với giao đất ở mới, Nhà nước phải quy định hạn mức giao đất ở (quy định tại Điều 143, 144 Luật Đất đai 2013) và nếu giao đất ở mới thì phải tổ chức đấu giá trừ trường hợp giao đất tái định cư (theo Điều 118, Luật Đất đai 2013).

(Trích văn bản Sở TN&MT hỏi ý kiến Bộ TN&MT)

Đây là chuyển mục đích sử dụng đất

Những trường hợp như Pháp Luật TP.HCM phản ánh là đất trong đô thị, được chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở nếu phù hợp quy hoạch. Trường hợp này không phải là giao đất ở mới.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

H.VÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm