Đại gia ôm ngàn tỉ ra nước ngoài xây khách sạn

Tại Lào, Tập đoàn Mường Thanh vừa khai trương khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane tại thủ đô Vientiane. Khách sạn có tổng số 331 phòng tiêu chuẩn năm sao, là một trong những tòa nhà cao nhất tại Lào hiện nay.

Như vậy, ngoài 45 khách sạn và dự án khách sạn trải dài trên khắp cả nước, lần đầu tiên Mường Thanh xây khách sạn ở nước ngoài.

Ngay sau đó Tập đoàn HAGL cũng đưa vào khai thác khách sạn năm sao Melia Yangon tại Kaba Aye Pagoda (Yangon, Myanmar) với quy mô 430 phòng, khu vực hội nghị rộng hơn 2.000 m2, được quản lý bởi Melia Hotels International.

Melia Yangon nằm trong khu phức hợp HAGL Myanmar Center, có tổng vốn đầu tư 440 triệu USD, được chia làm hai giai đoạn thực hiện. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar trong lĩnh vực bất động sản tính đến thời điểm hiện nay.

Đại gia xây khách sạn ở nước ngoài.

Một đại gia khác trong lĩnh vực bất động sản cũng có tham vọng xây dựng hệ thống khách sạn trên toàn thế giới mang thương hiệu Việt. Lãnh đạo tập đoàn này tiết lộ đang quy hoạch phát triển thêm hệ thống khách sạn ra thế giới tại chín nước, sắp tới đây sẽ có thêm một số khách sạn tại Mỹ, Úc, Canada Singapore,... Mỗi nước sẽ có 1-2 khách sạn với tổng mức đầu tư vài trăm triệu USD.

Lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ việc mở rộng kinh doanh khách sạn ra nước ngoài với mục tiêu xây dựng thương hiệu Việt xứng tầm với quốc tế, khuếch trương thanh thế doanh nghiệp Việt.

Việc đầu tư xây dựng khách sạn ở nước ngoài là một hướng đi đúng khi những nước này đang khan hiếm nguồn cung khách sạn. Nhu cầu về khách sạn tại Myanmar tăng cao, trong khi đó nguồn cung thiếu nên giá phòng khách sạn ở đây rất đắt đỏ.

Khách sạn Melia Yangon nằm ngay cửa ngõ quốc tế quan trọng nhất của Myanmar, được kỳ vọng trở thành địa chỉ cho loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo với hai sảnh đại tiệc và sáu phòng họp.

Tương tự như vậy, tại Lào, việc khách sạn Mường Thanh khai trương đúng vào dịp Lào đang làm chủ tịch ASEAN 2016 và chuẩn bị đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28, 29 và Hội nghị Các đô trưởng các nước ASEAN lần thứ tư ở TP Vientiane trong thời gian tới.

Nguồn cung khách sạn đang hạn chế chính là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt.

Báo cáo của Savills về thị trường khách sạn tại Myanmar cho thấy tổng nguồn cung khách sạn 3-5 sao ở Yangon đạt xấp xỉ 3.000 phòng, tương đương 5% nguồn cung tại Hong Kong; trong khi Phuket là 7%, Kuala Lumpur 12%, TP.HCM 26%, Hà Nội 40% và Manila 70%.

Giá thuê trung bình của phân khúc khách sạn bốn và năm sao vào khoảng 210 USD/phòng/đêm. Phần lớn các khách sạn ở Yangon có công suất đạt 90%-100% vào cả những ngày thường và cuối tuần do tình trạng thiếu phòng.

Ngoài ra, giá nhà đất ở một số khu vực bên trong và xung quanh thủ đô đã tăng gấp 3 chỉ trong vòng một năm qua.

Trong bản báo cáo tài chính, HAGL cũng đã nêu rõ lợi thế doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào thị trường Myanmar.

Với lợi thế cạnh tranh do được cấp đất sớm với giá rẻ (khoảng 740 USD/m2 cho thời gian 70 năm) cùng với kinh nghiệm quản lý chi phí xây dựng tốt, quy trình xây dựng khép kín bao gồm các công ty xây dựng, nguồn gỗ, đá tự sản xuất với giá thành hợp lý, dự án được đánh giá sẽ mang lại nguồn thu lớn cho tập đoàn trong thời gian tới.

Việc các nhà đầu tư mở rộng kinh doanh ở nước ngoài được cho là khôn ngoan khi ngành khách sạn trong nước năm qua gặp không ít khó khăn do khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm, tác động đáng kể đến doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú cao cấp.

Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam, giá phòng trung bình hằng năm của khách sạn cao cấp giảm đáng kể (11,3%), từ 98 USD năm 2014 xuống còn 87 USD năm 2015, trong khi công suất thuê phòng trung bình chỉ tăng 1,2% đã dẫn đến sụt giảm doanh thu.

Trong khi đó, những năm gần đây Lào và Campuchia đã có những tiến bộ đáng kể về số lượt khách quốc tế đến mỗi quốc gia. Nếu năm 2010, Lào chỉ chào đón khoảng 737.000 khách nước ngoài và Campuchia vào khoảng 466.000, tới năm 2015 các con số này đã tăng lên đến lần lượt là 4,7 triệu và 4,8 triệu.

 
Theo DUY ANH (VietNamNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm