Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân:

Doanh nghiệp lao đao vì giá thuê đất tăng 7 lần

Bị áp giá

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, thời gian gần đây Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) liên tục thúc giục, ép buộc phải ký hợp đồng thuê đất mới với hình thức trả tiền một lần cho 40 năm. Đơn giá đất thuê mới 2 triệu đồng/m2, tăng gấp 7 lần so với đơn giá năm 2005 là 300.000 đồng/m2. Nếu đơn vị nào không đồng ý đơn giá mới thì sẽ bị cắt điện, nước...

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi hội doanh nghiệp Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cho biết, ở đây có 141 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2005 UBND TP.HCM ra quyết định giao 170.225 m2 đất, có thu tiền sử dụng đất trong vòng 50 năm cho BCCI để đầu tư xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Mục tiêu là để tiếp nhận các cơ sở ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư.

Tháng 10 – 2005, các doanh nghiệp ký hợp đồng với BCCI thuê lại đất để làm nhà xưởng. Do lúc đó mới có chủ trương giao đất nên các doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thuê tạm trong vòng 10 năm với giá 300 ngàn đồng/m2.

Thế nhưng, đến tháng 6 – 2006, BCCI xin UBND TP.HCM chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và được chấp thuận. BCCI áp đơn giá cho thuê mới là 515.040 đồng/m2 trong 10 năm, trả tiền hằng năm.

10 năm qua, cơ sở hạ tầng trong Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân không có gì thay đổi

Đến tháng 10 – 2015, hết hợp đồng 10 năm thì BCCI gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp ký lại hợp đồng mới. “Năm 2005, BCCI hứa cho doanh nghiệp thuê đất ổn định 50 năm và ra sổ đỏ hẳn hoi. Năm 2015, BCCI lật kèo và ép chúng tôi phải thuê đất với khung giá mới là 2 triệu đồng/m2 cho 40 năm còn lại. Đồng thời, BCCI còn buộc chúng tôi phải đóng trước 95% tiền thuê đất”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, năm 2006, khi giá thuê đất ở các khu công nghiệp khác chỉ 300.000 đồng/m2 thì những công ty ở Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân phải thuê với giá 515.040 đồng/m2 trong 10 năm để chia sẻ gánh nặng đầu tư cơ sở hạ tầng với BCCI. 10 năm sau, cơ sở hạ tầng, các tiện ích trong Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân không có gì mới thì BCCI lại áp giá thuê cao gấp 7 lần so với năm 2005 là quá vô lý.

“Trong khi đó, BCCI thuê lại đất của Nhà nước với giá 441.000 đồng/m2 trong 50 năm. Cơ sở hạ tầng đã đầu tư hoàn thiện từ 10 năm trước và chúng tôi đã chia sẻ điều này với họ. Đất làm Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân là đất sạch chứ có tốn chi phí giải phóng mặt bằng đâu.

Vậy mà họ áp giá cho doanh nghiệp thứ cấp thuê cao gấp gần 5 lần so với giá đất họ thuê của Nhà nước. Chi hội doanh nghiệp Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân kiến nghị với BCCI nên áp giá thuê đất là 855.000 đồng/m2 cho 40 năm còn lại nhưng họ không đồng ý”, ông Tuấn bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cho rằng, mức giá mà BCCI đưa ra rất phi lý bởi vì giấy chủ quyền chưa được cấp. “Không có cơ sở nào để đưa ra mức thu mới khiến cộng đồng doanh nghiệp tại đây bức xúc. Đến thời điểm này BCCI dọa, nếu chúng tôi không tái ký hợp đồng với đơn giá mới thì sẽ thu hồi mặt bằng, tháo dỡ các công trình đầu tư trên đất, cắt điện, cắt nước”, ông Tuấn nói.

Các doanh nghiệp tại đây cũng cho rằng, hơn 10 năm qua họ đã đầu tư máy móc, nhà xưởng hàng trăm tỷ đồng trên Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Nếu chuyển một nhà máy dễ dàng như chuyển phòng trọ thì họ đã dọn đi khỏi đây lâu rồi chưa không để BCCI o ép cho đến tận bây giờ.

Chi hội doanh nghiệp Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân còn tố cáo BCCI có nghĩa vụ tài chính không rõ ràng. Tại sao khi năm 2005, BCCI chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà vẫn cho doanh nghiệp thứ cấp thuê đất 10 năm. Đến năm 2015, BCCI mới hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì lại chuyển sang hình thức cho thuê dài hạn.

Hệ luỵ là 141 doanh nghiệp trong Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân chỉ được thuê đất hàng năm mà không được cấp giấy chủ quyền lâu dài, ảnh hưởng đến việc đầu tư do không thể thế chấp ngân hàng để vay tiền sản xuất kinh doanh.

Tranh chấp về giá cho thuê đất, cấp giấy chủ quyền đã xảy ra hơn 1 năm qua

Chi hội doanh nghiệp Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân đã gần 10 lần làm việc với UBND huyện Bình Chánh, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM và hàng chục văn bản, đơn cầu cứu khẩn cấp được gởi đến cơ quan chức năng.

Đến ngày 3 – 11, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM có mời doanh nghiệp trong Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, BCCI lên làm việc nhưng cũng không giải quyết được vấn đề.

Ngoài ra, Chi hội doanh nghiệp Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cũng lo lắng về tính pháp lý trong việc tính diện tích làm sổ đỏ. Theo Quyết định 4999 của UBND TP.HCM thì Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân có diện tích là 170.225m2. Tuy nhiên, diện tích được cấp giấy chủ quyền là 158.504,3m2.

“Còn lại 11.720,7m2 đất không được cấp sổ đỏ nhưng BCCI vẫn đem diện tích đất này cho doanh nghiệp thứ cấp thuê lại. Những doanh nghiệp này đang rất lo lắng về việc họ có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất một cách hợp pháp hay không”, ông Tuấn nói.

Đang giải quyết

Trao đổi với phóng viên, bà Ca Hồ Anh Thư, Phó Giám đốc phòng Pháp lý doanh nghiệp của BCCI cho biết, BCCI đưa ra mức giá cho thuê 2 triệu đồng/m2 cho 40 năm còn lại là căn cứ vào nhiều yếu tố.

Trong đó có báo cáo quý 3 về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp của một công ty nghiên cứu thị trường bất động sản. Gần đó, khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng cho doanh nghiệp thuê với giá 2,5 triệu đồng/m2.

“Chúng tôi tính giá thuê đất theo giá thị trường. BCCI cũng là công ty làm kinh doanh và cần có lợi nhuận để trả lương nhân viên, đầu tư cơ sở hạ tầng… Chúng tôi có mời doanh nghiệp lên trao đổi và không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận 100%”, bà Thư nói.

Trả lời câu hỏi, doanh nghiệp thứ cấp đã chia sẽ gánh nặng đầu tư cơ sở hạ tầng trong hợp đồng 10 năm. BCCI thuê đất của Nhà nước với giá 441.000 đồng/m2 nhưng cho thuê lại với giá 2 triệu đồng/m2 thì có hợp lý. Bà Thư vẫn lặp lại câu trả lời cũ là giá cho thuê tính theo giá thị trường.

Hơn nữa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền mới mua lại BCCI. “Chúng tôi là người mới. Trong thời gian quá ngắn sẽ khó giải quyết được các vấn đề. Các doanh nghiệp thứ cấp hãy cho chúng tôi thời gian”, bà Thư nói.

Nếu dễ dàng di chuyển nhà xưởng thì các doanh nghiệp tại đây đã rời khỏi Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân từ lâu

Liên quan đến việc cấp sổ đỏ, bà Thư cho biết điều doanh nghiệp lo lắng về 11.720,7m2 đất là không nên. Hiện tại, BCCI đã tổ chức đo đạc và làm thủ tục cấp sổ đỏ cho những doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê dài hạn và đóng đủ 95% tiền sử dụng đất.

Về việc BCCI chỉ đóng tiền thuê đất hằng năm cho TP.HCM nhưng lại cho doanh nghiệp thuê dài hạn, bà Thư cho rằng, nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM cũng làm như vậy chứ không riêng BCCi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM cho biết, nếu các doanh nghiệp bị chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng trì hoãn việc cấp giấy chủ quyền thì cần thông tin để Sở nắm và phân loại giải quyết. Với sự việc cụ thể như Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, ông Thắng cho biết đã làm việc với các chủ đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp để tìm hướng giải quyết. Trong thời gian tới sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.