Dự án “khủng” nhưng ít người biết của Tập đoàn Him Lam

Theo lời giới thiệu, dự án này sẽ được quy hoạch thành một khu đô thị sinh thái hiện đại, hạ tầng kỹ thuật – xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ bậc nhất Quận 2.

Dự án được rào chắn khá kiên cố, nhưng chưa thấy chủ đầu tư công bố thông tin.

Khủng…

Nói là “khủng” bởi dự án có quy mô diện tích lên tới 1.174.221,9 m2 (hơn 117 ha) - căn cứ theo Bản đồ hiện trạng vị trí tỷ lệ 1/2.000 do Trung tâm Đo đạc bản đồ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) lập ngày 25 tháng 6 năm 2015 theo Hợp đồng số 8701/ĐĐBĐ-VPQ2 và được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thẩm định ngày 25 tháng 6 năm 2015.

Có nghĩa là quỹ đất dành riêng cho dự án đã chiếm tới 11% diện tích tự nhiên của phường An Phú (1.042 ha).

So sánh với diện tích tự nhiên của nhiều phường trên địa bàn Quận 2 như Thủ Thiêm (135 ha), Bình An (169 ha), An Khánh (169 ha), Bình Trưng Tây (222 ha),... thì hơn 117 ha của Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An thực sự là một con số đáng kể.

Và xét trên bình diện thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay, diện tích 117 ha đó cũng vẫn là một quy mô ngoại hạng.

Khu đô thị Sài Gòn Bình An có giới hạn quy hoạch: Phía Đông dự án giáp đường Đỗ Xuân Hợp, phía Tây giáp Dự án Sài Gòn Sports City (do Công ty cổ phần Keppel land (Singapore) và Chiap Hua (Hồng Kông) hợp tác), phía Nam giáp đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và khu tái định cư 15 ha, phía Bắc giáp sông Rạch Chiếc.

Được biết, ngày 30/11/2015, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6292/QĐ-UBND về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, với quy mô diện tích và giới hạn quy hoạch như đã được đề cập phía trên.

Dự án đã được duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Theo đó, tính chất của khu vực quy hoạch là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, theo đó hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Đây được coi là cơ sở quan trọng để dự án có thể được triển khai trên thực tế.

… nhưng ít người biết

Nói là “ít người biết” bởi lẽ đến nay gần như chủ đầu tư chưa truyền thông gì về dự án. Một phần vì nó vẫn chưa được triển khai thực tế. Phần khác, có lẽ chủ đầu tư của nó – CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI), vẫn là một cái tên có khá xa lạ trên thị trường bất động sản.

Sẽ bất ngờ nếu biết rằng, SDI vốn được thành lập từ rất sớm – ngày 21/4/1999, tức là già hơn đáng kể so với hàng loạt ông lớn bất động sản Việt Nam hiện nay.

Trước đó 2 năm, ngày 6 tháng 1 năm 1997, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 03-CP về việc thành lập các quận, phường mới thuộc TP.HCM, trong đó có Quận 2, nơi tọa lạc của Dự án Sài Gòn Bình An.

Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động của SDI, đó là ngày 12/1/2001, khi Thủ tướng chính thức ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTg, cho công ty sử dụng đất để đầu tư xây dựng Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở tại phường An Phú, Quận 2, TP.HCM.

Dự án Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở này (tên thương mại là Saigon Golf, Country Club and Residences - SGCCR) chính là tiền thân của Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An hiện nay.

Theo quan sát của chúng tôi, dự án hầu như chưa được triển khai gì, song vẫn có phương tiện thi công chạy ra, chạy vào dù không nhiều.

Theo quy hoạch, dự án chia thành hai khu vực: Khu nhà ở diện tích 22 ha với 193 nền nhà biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 blocks chung cư với 132 căn hộ cao cấp với 8 căn penthouse độc đáo; Khu liên hợp sân golf rộng hơn 92 ha với các công trình như CLB sân golf, khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ, khách sạn 400 phòng...

Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua, SGCCR vẫn chỉ nằm trên giấy. Ai đó có thể sẽ nói, đó chỉ là một trò “xí đất”.

Nhân tố Him Lam

Đến lúc này, có cơ sở để tin rằng, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An sẽ sớm được triển khai.

Đầu tiên là Quyết định số 6292/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An mà Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành và cuối năm 2015. Đây là bước đi tiền đề để chủ đầu tư có thể tiến hành các hoạt động thực địa.

Một căn cứ quan trọng khác, đó là theo một nguồn tin, chủ đầu tư đang tiến hành các hoạt động thu xếp vốn để triển khai dự án. Bản thân doanh nghiệp chủ dự án, trước đó, cũng đã có những chuyển biến căn bản trong nội tại.

Như đã đề cập, CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) – chủ sở hữu dự án - vốn được thành lập từ rất sớm (năm 1999).

Tài liệu thu thập cho thấy, công ty do 1 pháp nhân và 6 cá nhân góp vốn sáng lập, bao gồm Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Thiên Hải (giờ là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải) và các ông/bà: Lê Thu Hà, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Việt Chi, Phùng Thị Quỳnh Yến, Trần Thị Ý Chi, Vũ Thị Ngọc Anh.

Đến thời điểm này, 7 cái tên sáng lập vẫn còn duy trì cổ phần tại SDI song khối lượng hết sức hạn chế, với tổng tỷ lệ sở hữu chỉ là 2,7%.

Mặc dù chưa thi công và cũng chưa công bố, song nhân viên môi giới của Him Lam Land cho biết qua điện thoại, dự án sẽ mở bán vào năm 2017.

Ngày 27/6/2016, SDI bất ngờ tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 845 tỷ đồng lên thành 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần thuộc sở hữu của CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) – một doanh nghiệp được sở hữu 94,57% vốn bởi CTCP Him Lam (hay Tập đoàn Him Lam).

Theo đó, Him Lam Land – một công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (cập nhật tại 13/9/2016) - trở thành công ty mẹ của SDI – DN có vốn điều lệ 3.845 tỷ đồng.

 Trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy, một số lãnh đạo của Tập đoàn Him Lam khá tích cực tham gia mua các căn hộ và bất động sản nằm trong những dự án mà Him Lam đầu tư, với nguồn vốn tài trợ từ LienVietPostBank. Có thể kể đến như trường hợp của bà Dương Thị Liêm, em gái ông Dương Công Minh – người sáng nghiệp Tập đoàn Him Lam.

Một dữ liệu cho biết, mới đây, Him Lam Land đã đem toàn bộ 308.788.000 cổ phiếu SDI làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – Chi nhánh Trung tâm. Tổng trị giá của lô tài sản bảo đảm này được hai bên xác định theo thị giá là 5.558,184 tỷ đồng, tương ứng giá trị mỗi cổ phiếu SDI được định giá ở mức 18.000 đồng.

Trong khi đó, cũng theo nguồn này, SDI cũng thế chấp toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích thu được, phát sinh từ các hợp đồng kinh tế họ có được từ hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An vào một số chi nhánh Sacombank thuộc khu vực Tp. HCM. Theo ghi nhận, lô tài sản bảo đảm này được xác định có giá trị lên tới 19.492,983 tỷ đồng.

Theo LAN NHI (Đất Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm