Gói vay lãi suất ưu đãi 4,8% bị phá sản?

Công bố rồi để đó

Hồi tháng 7, ngân hàng Chính sách Xã hội công bố gói vay ưu đãi với lãi suất 4,8% cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm.

Đối tượng được vay vốn là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức...

Tuy nhiên, kể từ khi công bố thông tin đến nay thì ngân hàng Chính sách Xã hội chưa giải ngân một đồng vốn nào trong gói vay ưu đãi trên. Nguyên nhân chính là không có vốn.

Vào Sài Gòn làm thuê gần chục năm nay, anh Đoàn Thanh Trà ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam luôn muốn có được chỗ ở ổn định. Anh từng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội tại quận 12 nhưng hồ sơ không được duyệt.

Khi biết có gói vay ưu đãi với lãi suất 4,8%, anh khấp khởi mừng thầm vì có cơ hội mua nhà giá rẻ thêm một lần nữa. “Hai vợ chồng thu nhập khoảng 13 triệu. Trừ đi chi phí sinh hoạt, chúng tôi không thể trả được nợ nếu vay tiền mua nhà theo lại suất thả nổi của ngân hàng thương mại”, anh Trà nói.

Sau gói 30.000 tỉ, người mua nhà đang dài cổ chờ gói hỗ trợ mới

Từ tháng 7 đến nay, thỉnh thoảng anh Trà lại chạy lên ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM hỏi về gói vay ưu đãi 4,8% nhưng câu trả lời lúc nào cũng là chưa có thông tin gì mới.

“Cuối tháng này, gói vay ưu đãi 4,8% sẽ hết hiệu lực. Khi có vốn, chúng tôi phải làm rất nhiều hồ sơ, chứng minh thu nhập… nên tốn rất nhiều thời gian. Chắc chắn những người nghèo như chúng tôi sẽ không vay được tiền từ gói ưu đãi này. Ước mơ được an cư lại phải chờ”, anh Trà thở dài.

Doanh nghiệp tự cứu mình

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, gói vay với lãi suất ưu đãi 4,8% chỉ là bánh vẽ chứ trên thực tế không giải ngân được đồng nào.

Việc triển khai chính sách này đang bị ách tắc do chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách do có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Chẳng hạn, Bộ Tài chính quy định lại về lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn.

Không cấp bù chênh lệch lãi suất vì với quy định này thì đối tượng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được hưởng ưu đãi. Về nguồn vốn thực hiện thì đề nghị ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện nay.

Thị trường bất động sản đang thiếu căn hộ vừa túi tiền

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn. Do vậy, phải huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện gói vay ưu đãi 4,8%.

“Trách nhiệm của các bộ, ngành là phải thực hiện vì điều này đã được quy định rõ trong Luật nhà ở. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí mỗi năm từ 500 – 1.000 tỉ đồng để cho người nghèo vay mua nhà ở xã hội. Gói vay năm 2016 coi như đã hết. Hi vọng, năm 2017 Chính phủ sẽ bố trí được nguồn vốn”, ông Châu nói.

Trong khi ưu đãi 4,8% chỉ nằm trên giấy vì thiếu vốn thì nhiều doanh nghiệp phải tự xoay sở. Công ty Địa ốc Hoàng Quân công bố chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà ở xã hội do mình làm chủ đầu tư.

Theo đó, kể từ tháng 11, khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng theo lãi suất thương mại để thanh toán tiền mua căn hộ, Công ty Hoàng Quân sẽ hỗ trợ cho khách hàng phần lãi suất vượt quá 6%/năm mà ngân hàng áp dụng khi cho vay thương mại, với thời hạn tối đa không quá 15 năm.

Đối tượng được Hoàng Quân hỗ trợ là những khách hàng mới, đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100 hoặc khách hàng cũ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng chưa được vay gói 30.000 tỉ đồng.

Hiện tại, mức lãi suất các ngân hàng áp dụng khi cho cá nhân vay mua nhà dao động từ 9 – 10%. Do đó, Hoàng Quân phải bù khoảng 3 – 4% lãi suất cho khách hàng.

“Khi đưa ra chương trình này, sẽ có khoảng 5.000 khách hàng được hỗ trợ. Mỗi năm, số tiền mà Hoàng Quân phải bỏ ra bù lỗ là từ 60 – 80 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận của công ty xuống còn khoảng 6%”, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân cho biết.

Việc chấm dứt gói vay 30.000 tỉ và gói vay với lãi suất ưu đãi 4,8% không được triển khai đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của Hoàng Quân. Năm 2016, công ty này đề ra mức lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận mới chỉ dừng lại ở mức 65 tỷ.

Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phan của Tập đoàn Nam Long tạo lối đi riêng với dự án EhomeS Phú Hữu. Dự án có mức giá khoảng 599 triệu đồng/căn, đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì.

Với diện tích trung bình 40-60 m2, EhomeS Phú Hữu là căn hộ với thiết kế được tối ưu hóa đến từng chi tiết. Mỗi căn có 1-2 phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng khách, góc bếp thông thoáng với thiết kế đón gió và ánh sáng cho toàn bộ căn hộ.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám Đốc kinh doanh và marketing Công ty Nam Phan cho biết, sau khi kết thúc gói vay 30.000 tỉ, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền đang rất thiếu. Công ty sẽ cố gắng hơn nữa để mang dòng sản phẩm này ra thị trường, ủng hộ chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm