Hệ thống điện, nước chung cư ai đầu tư?

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp (DN) phát triển dự án bất động sản (BĐS) đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước nhưng không được bồi hoàn.

Đổ tiền tự làm để rồi cho không

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết các DN phát triển dự án đã phải đầu tư  toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ; sau đó, bàn giao toàn bộ tài sản này cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.

“Toàn bộ chi phí thực hiện các công trình này chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án do DN BĐS bỏ ra và được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà. Chưa nói toàn bộ giá trị các công trình điện, nước được các DN BĐS bàn giao cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước có giá trị rất lớn và cũng không rõ cơ chế hạch toán những tài sản đã được bàn giao này. Đây là điều bất hợp lý kéo dài nhiều năm qua bởi vì Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước cũng là những DN kinh doanh thì lẽ ra phải đầu tư hệ thống lưới điện, đường ống nước đến đồng hồ căn hộ để bán điện, bán nước cho người tiêu dùng”, ông Châu nói.

Các DN phải tự đầu tư làm hệ thống lưới điện, cấp nước cho dự án BĐS

Trong khi đó các DN hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng thông tin, truyền thông như điện thoại, truyền hình, internet... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hệ thống cáp quang, đường truyền để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở. Nếu các công ty điện lực, công ty cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, cấp nước này thì sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở có lợi cho người tiêu dùng, và mới có sự bình đẳng giữa các DN BĐS và các DN độc quyền.

Trách nhiệm của ngành điện, nước

Theo HoREA, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho rằng việc đầu tư hệ thống cấp điện là trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án BĐS vì theo quy định tại khoản 3 điều 13 Luật Kinh doanh BĐS thì chủ đầu tư "Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực".

Và tại khoản 3 điều 17 Nghị định 11/2013 của Chính phủ thì nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là: "Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt".

HoREA cho rằng lập luận này chưa chuẩn bởi vì Công ty Điện lực hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ điện phải tuân thủ theo Luật Điện lực 2004 là quy định pháp lý chuyên ngành điện.

Bởi lẽ tại khoản 3 điều 11 về đầu tư phát triển điện lực đã quy định: "Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện" và tại khoản (2.c) điều 41 về nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện đã quy định: "Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật với bên mua điện".

Vì vậy, HoREA đề nghị Công ty Điện lực đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các DN điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.

Thứ hai hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo việc hạch toán tài sản hệ thống điện mà DN đã bàn giao cho ngành điện như quản lý tăng tài sản cố định hoặc như nguồn thu khác từ nguồn vốn xã hội hóa.

Về việc EVN HCMC nói rằng trước khi ban hành quy định về tiếp nhận tài sản cố định công trình điện, đã tổ chức hội thảo vào ngày 2-10-2015 để lấy ý kiến góp ý của các DN, trong đó có DN BĐS. Nhưng trên thực tế, HoREA đã không được mời tham dự cuộc họp này. Hiệp hội và các DN BĐS rất mong được làm việc với EVN HCMC.

Người mua nhà phải chịu thiệt

Đối với ngành cấp nước, HoREA đề nghị Công ty Cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống đường ống nước đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán nước cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.

Cũng theo HoREA, công ty Cấp nước bán nước qua đồng hồ tổng của chung cư và các hộ dân chịu chi phí thất thoát nước như hiện nay là không còn phù hợp. Hiệp hội đề nghị Công ty Cấp nước thực hiện cơ chế tương tự như Công ty Điện lực để giám sát quá trình đầu tư xây dựng, bàn giao hệ thống cấp nước đến đồng hồ từng căn hộ chung cư và quản lý vận hành, kinh doanh như ở các nước trên thế giới, để người sử dụng không phải chịu chi phí thất thoát nước và phải trả giá cao hơn giá quy định của Thành phố do phải qua đồng hồ tổng như hiện nay.

Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng chỉ đạo việc hạch toán tài sản hệ thống cấp nước mà doanh nghiệp đã bàn giao cho Công ty Cấp nước (ở thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp cổ phần) như quản lý tăng tài sản cố định của doanh nghiệp từ nguồn vốn xã hội hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm