Tranh luận về tháo dỡ ba tầng cao ốc ở Khánh Hòa

“Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đang mời các đơn vị tư vấn lập phương án để cưỡng chế tháo dỡ ba tầng xây vượt quy định của công trình tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa tại TP Nha Trang”. Ngày 13-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho hay.

Sở Xây dựng: “Chủ đầu tư không hợp tác”

Theo ông Thọ, từ đầu năm 2018 đến nay Sở Xây dựng đã ba lần mời chủ đầu tư dự án Mường Thanh Khánh Hòa là DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên làm việc để thực hiện tháo dỡ ba tầng xây vượt tại công trình trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư không hợp tác giải quyết. Sau khi được Sở Xây dựng báo cáo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở mời đơn vị tư vấn để lập phương án cưỡng chế tháo dỡ. Căn cứ pháp lý để cưỡng chế là chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định về xây dựng trong suốt thời gian dài.

Hồ sơ do Sở Xây dựng cung cấp thể hiện trên cơ sở phê duyệt của UBND tỉnh, năm 2014, Sở Xây dựng cấp phép cho DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên xây dựng dự án Mường Thanh Khánh Hòa với 47 tầng. Trong khi đó, đồ án quy hoạch chung của TP Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2012 chỉ cho phép các công trình thuộc khu đô thị ven biển Nha Trang có chiều cao tối đa 40 tầng.

Đầu năm 2016, khi công trình trên xây đến tầng 33, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình, không được xây dựng vượt quá 40 tầng. Tháng 3-2016, chủ tịch UBND tỉnh ký công văn đồng ý cho chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thiện trong phạm vi từ tầng 39 trở xuống đối với công trình này. Tuy nhiên, DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên tiếp tục cho thi công, đến giữa năm 2016 thì xây lên 43 tầng.

Tháng 9-2016, Sở Xây dựng ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng, đồng thời đình chỉ thi công dự án trên. Tháng 11-2016, Sở Xây dựng ban hành phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng, trong đó chiều cao xây dựng toàn công trình là 40 tầng cộng hai tầng hầm. Sau nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư lập lại hồ sơ xây dựng nhưng không được đáp ứng, giữa tháng 6-2017, Sở Xây dựng có quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động thi công nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình.

Công trình cao ốc Mường Thanh Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC

Hai tháng sau, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyết định đình chỉ thi công của Sở Xây dựng, đồng thời bãi bỏ nội dung “đồng ý cho phép chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thiện công trình Mường Thanh Khánh Hòa trong phạm vi từ tầng 39 trở xuống” đã ban hành trước đó.

Sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng chuyển hồ sơ cho chủ tịch UBND TP Nha Trang để ban hành quyết định, tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm thuộc dự án Mường Thanh Khánh Hòa theo quy định. “Chủ đầu tư không chấp hành phụ lục điều chỉnh giấy phép xây dựng, không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, không tự tháo dỡ các tầng từ 41 đến 43 theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Xây dựng” - phó giám đốc Sở Xây dựng nói.

Chủ đầu tư: “Chúng tôi không sai”

Trao đổi với PV ngày 13-6, đại diện DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên cho rằng việc tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy phép xây dựng, yêu cầu tháo dỡ ba tầng tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa là không có căn cứ.

“Tỉnh đã phê duyệt và cấp giấy phép cho chúng tôi xây 47 tầng. Chúng tôi làm theo hồ sơ cấp phép đã được duyệt, không làm sai nhưng tự nhiên tỉnh bắt ngừng rồi rút giấy phép xây dựng. Chúng tôi làm đúng theo pháp luật, có xây dựng trái phép đâu mà rút giấy phép như thế! Khi rút giấy phép, tỉnh cũng không đưa ra lý do thuyết phục nên chúng tôi không tâm phục, khẩu phục”.

Cũng theo vị đại diện này, nếu tỉnh yêu cầu tháo dỡ ba tầng thì phải có căn cứ pháp lý và phải bồi thường cho doanh nghiệp vì tỉnh đã phê duyệt, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng trước đó.

“Việc tháo dỡ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi phải trễ hạn giao căn hộ cho khách hàng, trong khi nội thất đã lắp đặt bên trong căn hộ hư hỏng hết. Nếu chúng tôi lên tiếng thì lại bảo đối đầu với chính quyền. Do đó, chúng tôi đã âm thầm chịu đựng nhiều tháng qua rồi! Mấy năm nay chúng tôi đã rất khốn đốn, rất mệt mỏi”.

Vị đại diện trên cũng cho rằng DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên đã nhiều lần đề nghị được đối thoại với UBND tỉnh Khánh Hòa nhưng tỉnh không đồng ý. Trong khi đó, tỉnh giao Sở Xây dựng giải quyết nhưng sở này không đủ thẩm quyền.

“UBND tỉnh nói chờ trung ương giải quyết vì sự việc đã ngoài thẩm quyền của tỉnh. UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp thì tỉnh đứng ra giải quyết chứ sao lại bảo chúng tôi chờ trung ương?” - vị này thắc mắc.

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm