Vì sao đại gia BĐS chuyển hướng 'đánh thức' đô thị Tây Bắc?

Sau thông tin Tập đoàn VinGroup đến Tập đoàn Tuần Châu đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc TP.HCM, hàng loạt “ông lớn” tên tuổi trên thị trường bất động sản (BĐS) khác như Novaland, Hưng Thịnh… cũng đang "xí" đất khu Tây Bắc để thực hiện các dự án BĐS trong tương lai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đó là điều dễ hiểu vì quỹ đất khu vực Tây Bắc còn dồi dào nhất, hạ tầng kết nối đang được đầu tư xây dựng mạnh mẽ nên thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn
Ông Châu cho rằng trong tình hình hiện nay, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này còn nhằm để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà TP là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong điều kiện phần lớn diện tích TP nằm trên khu vực thấp.

Hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng, quỹ đất dồi dào, cao ráo đang là thế mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển khu đô thị Tây Bắc TP.HCM.

Để TP phát triển bền vững, HoREA đề nghị điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo về vùng đất cao của TP, đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi) mà TP đã có quy hoạch phát triển khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000 ha.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề xuất thực hiện định hướng chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của TP thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị. Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế và thị trường BĐS khu vực Tây Bắc và cả TP.HCM trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hạ tầng giao thông khu Tây Bắc TP.HCM đang được xây dựng, đó chính là lý do các “ông lớn” BĐS đầu tư vào khu vực này. Cụ thể, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với tỉnh lộ 15 của TP.HCM, điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi ,TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, TP.HCM cũng chuẩn bị mở rộng hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm như các tỉnh lộ 8, 9, 15. Khi các dự án này được đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng thì các phương tiện giao thông có thể đi với tốc độ nhanh và an toàn hơn với các khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TP.HCM)... Đây cũng là nền tảng tạo cú hích phát triển cho khu đô thị Tây Bắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm