Vướng giải tỏa, dự án Tham Lương ì ạch

“Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, đến ngày 31-5 dự án phải hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 365 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên dự án không thể đảm bảo tiến độ” - ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng công trình (thuộc Trung tâm Chống ngập) - chủ đầu tư dự án tiêu thoát nước và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, thông tin với Pháp Luật TP.HCM.

Đứt đoạn ở quận Bình Tân

Ông Nghĩa cho biết thêm, trong 365 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, quận Bình Tân có đến 349 hộ. Trong đó chỉ riêng phường Bình Hưng Hòa có 285 hộ. “Do nhiều người dân phường Bình Hưng Hòa chưa chịu di dời nên hiện nay đoạn kênh từ cầu Bình Thuận đến gần KCN Tân Bình chưa thể tiến hành nạo vét được. Điều này dẫn tới việc nạo vét toàn tuyến kênh cũng bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, hầu hết những hộ chưa chịu di dời trước đây đã mua nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch hoặc xây dựng không phép. “Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng do quận Bình Tân thực hiện nên chúng tôi cũng chỉ được thông tin chung thế thôi. Còn cụ thể từng nhóm trường hợp và cách giải quyết thế nào thì địa phương mới nắm rõ” - ông Nghĩa cho hay.

Một cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa thông tin hiện địa phương đang ráo riết vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đối với các hộ bị giải tỏa một phần, phường tổ chức vận động họ sớm giải tỏa vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng. “Khó nhất là những người mua phải đất có nguồn gốc đất lấn chiếm kênh rạch, họ không chịu di dời vì cho rằng tiền hỗ trợ quá thấp” - vị này nêu.

Dân chưa bàn giao mặt bằng nên nhiều đoạn dọc kênh Tham Lương vẫn còn rất nhếch nhác. Ảnh: TT

Đề nghị tăng tiền hỗ trợ

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho rằng giá bồi thường vài trăm ngàn đồng/m2 là quá thấp, không đủ để họ mua đất chỗ khác cất nhà, ổn định cuộc sống. Ông Bùi Văn Giới (ngụ khu phố 14, phường Bình Hưng Hòa) phân trần: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án cải tạo kênh Tham Lương nhưng giá bồi thường, hỗ trợ phải hợp lý. Chứ với số tiền ít ỏi nhận được, cuộc sống của chúng tôi chẳng biết sẽ đi về đâu”.

Được biết năm 2014 UBND quận Bình Tân đã nhiều lần kiến nghị UBND TP có hình thức hỗ trợ phù hợp cho những hộ dân có nguồn gốc đất lấn chiếm kênh rạch bị giải tỏa bởi dự án. Theo quận Bình Tân, các hộ này không phải là đối tượng lấn chiếm đất kênh rạch mà họ bị lừa gạt, mua nhầm nhà đất từ những người lấn chiếm trước đó. Khi bị giải tỏa, nếu không được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng thì cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn.

Sau đó, UBND TP đã chấp thuận chủ trương giải quyết theo hướng: Đối với nhà đất có nguồn gốc đất lấn chiếm kênh rạch, UBND quận Bình Tân sẽ sử dụng nguồn kinh phí của dự án để ứng hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, UBND quận phải chịu trách nhiệm xử lý các đối tượng lấn chiếm đất kênh rạch để phân lô, sang nhượng trái pháp luật, thu hồi tiền hoàn trả ngân sách nhà nước.

Chúng tôi liên hệ với bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, để tìm hiểu thêm về việc thực hiện chỉ đạo của TP. Bà Diệu bảo PV liên hệ với ông Cường - Phó ban Bồi thường quận. Thế nhưng sau đó PV gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông Cường không nghe máy.

Yêu cầu khởi tố vụ án

UBND TP.HCM vừa giao Công an TP.HCM chỉ đạo Công an quận Bình Tân khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan đến vụ mua bán đất công trái phép ở dự án cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, khu vực quận Bình Tân. UBND TP cũng phê bình Sở TN&MT do đã chậm trễ trong việc xác định diện tích đất đai lấn chiếm trái phép để phục vụ công tác điều tra của công an.

TP chỉ đạo quận Bình Tân phải giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng trong tháng 9-2015. Nếu chậm trễ, chủ tịch UBND quận Bình Tân phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Trước đó, UBND TP cũng giao Thanh tra TP chủ trì làm việc với UBND quận Bình Tân để làm rõ nguyên nhân chậm trễ, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm