Thế giới 2016: Năm điểm nhấn quan trọng

1. Bầu cử Mỹ và chính sách đối ngoại

Công ty tư vấn Confluence Investment Management ở St. Louis (bang Missouri của Mỹ) nhận định năm 2016 sẽ là năm tình hình địa-chính trị thay đổi thất thường với viễn ảnh thay đổi ở Nhà Trắng.

Vào thời chiến tranh lạnh, thời kỳ quá độ trong mùa bầu cử Mỹ nhìn chung ổn định, chính sách đối ngoại gắn kết với nhau vì có tính đến yếu tố Liên Xô (cũ). Sau chiến tranh lạnh, tổng thống mới được bầu thường đưa ra chính sách đối ngoại mới trái ngược với chính sách của người tiền nhiệm. Không ngoại lệ, năm nay mỗi ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đưa ra một chính sách đối ngoại mới, bởi lẽ ai cũng phản đối chính sách đối ngoại của ông Obama.

Năm 2016, nếu đảng Cộng hòa thắng cử, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể sẽ cứng rắn hơn. Các nước thân cận với Mỹ như Israel, Saudi Arabia, khu vực đồng euro và các nền dân chủ ở vành đai Thái Bình Dương sẽ chứng kiến các nước có quan hệ khó khăn với Mỹ như Nga, Iran, Trung Quốc bị lép vế.

2 . Xu hướng dân túy trỗi dậy

Ở các nước phương Tây, mức sống của các gia đình trung bình trong năm 2016 sẽ bị xáo trộn vì nhiều yếu tố bất lợi, lương giậm chân tại chỗ.

Nhiều nước châu Âu vất vả đối phó với khủng hoảng di cư. Ở Mỹ, làn sóng phản đối nhập cư ngày càng cao. Do mức tăng thu nhập chậm lại nên căng thẳng gia tăng giữa các nhóm chủng tộc. Ngoài ra, từ châu Âu sang Mỹ, mọi người đều sợ những con sói đơn độc tấn công khủng bố bất ngờ.

Nói cách khác, các gia đình trung bình phương Tây phải gánh chịu các mối đe dọa trong và ngoài nước, tạo cảm giác thế giới đã bị mất kiểm soát. Trong bối cảnh đó, xu hướng dân túy trỗi dậy.

Tại Mỹ, tiêu biểu cho các ứng cử viên dân túy có tỉ phú Donald Trump và nghị sĩ Bernie Sanders. Tại châu Âu có đảng Mặt trận Quốc gia (Pháp), đảng Nhân dân Đan Mạch (Đan Mạch), đảng Người Phần Lan đích thực (Phần Lan) hay đảng Podemos (Tây Ban Nha).

Các đảng dân túy đều cổ súy chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, chống nhập cư, chống đồng tiền chung euro, chống chính sách toàn cầu hóa, cổ súy lập hàng rào thương mại và lao động. Trong năm 2016, xu hướng dân túy thắng thế sẽ đe dọa đến tính nguyên trạng và lạm phát chắc chắn sẽ gia tăng.

Mỹ với nỗi lo khủng bố. Biếm họa của Dario Castillejos (báo El Imparcial ở Mexico)

3. Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối nguy

Một số nhà phân tích nhận định dù bị oanh kích ác liệt, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng trong năm 2016.

Theo nhà sử học Pháp Pierre-Jean Luizard với việc bị tấn công ác liệt, IS có cớ đổ lỗi cho phương Tây và tuyên truyền tuyển quân.

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ), chuyên gia Stephen M. Walt ở Đại học Harvard (Mỹ) chứng minh các vụ ném bom vào cơ sở hạ tầng, viễn thông, thiết bị quân sự, mỏ dầu làm IS suy yếu và giảm nguồn thu nhưng quân số của chúng vẫn không giảm.

Trong năm 2016, có thể các nước trong khu vực sẽ thành lập đạo quân với sự yểm trợ của phương Tây để tiến hành chiến dịch bộ binh tái chiếm các khu vực do IS kiểm soát ở Syria và Iraq.

4. Liên minh châu Âu suy yếu

Lý do chính thành lập Liên minh châu Âu (EU) là ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu bằng cách loại bỏ chủ nghĩa dân tộc. Sau đó, ý tưởng thành lập khu vực đồng tiền chung euro nhằm mục đích liên kết các nền kinh tế ở châu Âu. Thế nhưng trong năm 2016, Anh có thể sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc gia nhập EU. Thủ tướng Anh David Cameron có thể giữ Anh ở lại trong EU nhưng viễn ảnh thống nhất châu Âu sẽ ngày càng suy yếu.

Một vấn đề khác gây sức ép nghiêm trọng đến EU là khủng hoảng người di cư đe dọa đến tương lai chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Angela Merkel được xem là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất của EU. Vấn đề người di cư có thể làm giảm uy tín của bà tại Đức và trong EU. Không khéo bà có thể sẽ mất ghế thủ tướng và như thế châu Âu sẽ mất đi một nhân vật thủ lĩnh. Tình hình chính trị châu Âu sẽ trở nên mong manh hơn.

Mối đe dọa Trung Quốc ở biển Ðông. Biếm họa của Dave Granlund (Mỹ)

5. Sai lầm xảy ra trên biển Ðông

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và với các nước láng giềng là ví dụ kinh điển về các nguy cơ xảy đến khi một sức mạnh mới gia tăng trong khu vực. Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (không có Trung Quốc), Mỹ muốn thiết lập quy luật thương mại khu vực mà đến khi Trung Quốc muốn gia nhập hiệp định thì bắt buộc phải tôn trọng khuôn khổ do Mỹ đặt ra.

Trong khi đó, Trung Quốc lại xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á như một tổ chức cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới. Dù Mỹ gây sức ép nhưng nhiều nước, kể cả các đối tác của G7, vẫn quyết định gia nhập tổ chức này.

Ngoài ra, để bành trướng ở Viễn Đông và Nam Á, Trung Quốc đã phát triển hải quân nhanh chóng. Trung Quốc đã xây dựng dự án “Con đường tơ lụa” nhằm tạo ra các đầu cầu trên bộ và trên biển đến châu Âu và Trung Đông với nỗi lo hải quân Mỹ có thể phong tỏa eo biển Malacca và chuỗi đảo đầu tiên xung quanh Trung Quốc.

Ở biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch xây đảo nhân tạo để đòi hỏi yêu sách chủ quyền và thiết lập các căn cứ quân sự nhằm phục vụ cho ý đồ bành trướng.

Mỹ đã nắn gân Trung Quốc khi đưa tàu chiến đến cạnh các đảo nhân tạo. Đến giờ này thì đây chỉ được xem là hành động phát tín hiệu. Các nhà quân sự của Mỹ lẫn Trung Quốc đều cố tránh leo thang ngoài ý muốn. Dù vậy, trong mọi thời đại, khi các quân đội ở gần nhau thì sai lầm có thể xảy ra. Nếu tăng trưởng chậm lại, có thể chính quyền Trung Quốc sẽ cố lèo lái người dân sang một cuộc phiêu lưu nào đó ở nước ngoài.

Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt

Tập đoàn báo chí kinh tế Agefi (Thụy Sĩ) dự báo trong năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhảy vọt và sẽ thụ hưởng Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp cần lao động sẽ đến Việt Nam bởi Việt Nam có nguồn lao động chất lượng cao giá rẻ. Việt Nam cũng đã quyết tâm mở cửa một số lĩnh vực trước đây vốn hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài (như bất động sản).

Philippines tiếp tục đạt tăng trưởng cao ở châu Á. Ngoài ra, phần còn lại của Ðông Nam Á sẽ gặp nhiều khó khăn. Malaysia phải đối phó với giá dầu giảm, Indonesia bị thất thoát vốn. Tại Thái Lan, du lịch chững lại và tiêu dùng nội địa chưa được kích thích. Singapore sẽ chậm lại do chuyển sang tăng trưởng do sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm