Ban Dân nguyện Quốc hội: Quỹ bình ổn xăng dầu không minh bạch

Những bất cập trong quản lý, điều hành xăng dầu lại được nêu ra trong cuộc họp của Ủy ban TVQH ngày 28-9. Theo đó, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, nhất là việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu thiếu công khai, minh bạch.

Đề nghị bỏ quỹ bình ổn từ khóa trước

Theo Ban Dân nguyện, ngay từ kỳ họp thứ 7, QH khóa XII đã có nhiều cử tri kiến nghị QH xem xét lại việc quản lý xăng dầu, bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ý kiến cử tri cho rằng từ khi trích lập quỹ đến nay, dù khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm 300-500 đồng/lít nhưng việc quản lý, sử dụng quỹ này, cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ như thế nào thì không rõ.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng mục đích hình thành quỹ bình ổn là giúp ổn định về giá nhưng hiện nay việc trích lập quỹ chưa giải quyết được việc bình ổn giá. Ngược lại, tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này để giảm vốn vay, tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhận định: Đối chiếu với quy định của pháp luật, Ủy ban TVQH đã nhận thấy việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh Giá. Do đó, trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, TVQH đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, trong phạm vi trách nhiệm của mình kịp thời rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Giá. Đồng thời, có kế hoạch, tiến độ cụ thể về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản có những nội dung chưa phù hợp với quy định của các luật, pháp luật nêu trên.

Ban Dân nguyện Quốc hội: Quỹ bình ổn xăng dầu không minh bạch ảnh 1

Quỹ bình ổn xăng dầu thiếu công khai, minh bạch là một trong những vấn đề mà cử tri nhiều địa phương quan tâm. Ảnh: HTD

Sẽ có nghị quyết riêng cho cử tri về quỹ

Cũng theo ông Hiền, việc sửa đổi vẫn chưa thực hiện nên sau kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc vì việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch. Do đó, đề nghị Ủy ban TVQH tiếp tục có ý kiến với Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra, có kết luận và sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan” - ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Hiền thông tin: Ngày 23-9 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản gửi QH cho biết đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quỹ bình ổn; tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi về các cơ chế chính sách liên quan đến quỹ bình ổn… Tuy nhiên, Ban Dân nguyện vẫn đề nghị Chính phủ báo cáo QH về việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu để QH xem xét ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật.

Sẽ có Luật Biểu tình vào năm 2015

Chiều 28-9, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII. Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Biểu tình, trình QH xem xét, thông qua năm 2015 nhằm thể chế hóa quy định của hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.

Tuy nhiên, trong Ủy ban Pháp luật cũng có ý kiến đề nghị chưa ban hành luật này vì cho rằng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng biểu tình chống phá chế độ, gây khó khăn cho địa phương, nhất là các TP lớn có diện tích các địa điểm tập trung chật hẹp, giao thông tắc nghẽn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay quá trình tập hợp hồ sơ, không có bộ nào đề nghị đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình. “Chính Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về luật này và giao cho Bộ Công an chuẩn bị. Đến nay, Bộ Công an đã chuẩn bị xong” - ông Cường nói.

l Liên quan đến các sáng kiến pháp luật, ngày 28-7, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đã có văn bản gửi Ủy ban TVQH và Ủy ban Pháp luật, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ quyền riêng tư. Theo bà Yến, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư là rất cần thiết, góp phần bảo vệ quyền công dân, quyền con người... Trong luật này phải xác định rõ khái niệm “bí mật đời tư”, vì hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau khi đề cập đến khái niệm này. Những bí mật đời tư của công dân được bảo vệ có thể gồm quan hệ hôn nhân, gia đình, tài sản, con cái của công dân; thông tin và hình ảnh cá nhân; thông tin y tế cá nhân; riêng tư tại nhà riêng; riêng tư trong giao tiếp; riêng tư trên Internet; riêng tư về tài chính, kinh doanh...

Đơn gửi đến QH cũng chạy lòng vòng

Có nhiều trường hợp dân gửi đơn đến Ủy ban Pháp luật. Nhưng sau 2-3 năm, chẳng hiểu sao đơn lại chuyển lòng vòng sang Ủy ban Tư pháp, sau đó rồi lại sang Ủy ban An ninh Quốc phòng. Điều này khiến dân phải kêu là không biết gửi đơn đến đâu nữa.

Ông PHAN TRUNG LÝ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH và đại biểu QH chưa tích cực đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm nên hiệu quả của công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao. Đề nghị QH sớm xem xét thành lập Ủy ban Dân nguyện của QH. Khi đó, ủy ban sẽ đảm nhiệm việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, đôn đốc và giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Theo Ban Dân nguyện QH

THÀNH VĂN - THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm