Bầu cử QH và HĐND: Cần công khai tài sản, tiểu sử, bằng cấp ứng cử viên

“Vì sao lại có hiện tượng một người bỏ năm, thậm chí đến 20 phiếu? Vì sao chúng ta là một nước còn tương đối nghèo, điều kiện khó khăn nhưng sao bầu cử vẫn hơn 99% cử tri đi bầu?...”. Đó là những băn khoăn được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND sáng 8-11.

99% - không ai tin cả!

Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), quy định hiện nay rất rõ là mỗi người chỉ được bỏ một phiếu. Nhưng thực tế, tình trạng một người bỏ năm, bảy, 10, 20 phiếu vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, do không có chế tài, cũng không có giám sát nên việc ngăn chặn gặp khó khăn. “Thú thật con số 99% cử tri đi bầu không ai tin cả, chính chúng ta cũng không tin. Chỉ cần có được 60% cử tri đi bầu nhưng đúng thực chất thì cũng là đáng mừng rồi. Còn nói 99%, hay 10-11 giờ trưa, cơ bản đã bầu xong ở một điểm là rất khó và không thật” - ông Xuân nói.

Do đó, ông Xuân đề nghị phải giám sát và có chế tài để làm sao đúng là mỗi người chỉ được bầu một phiếu, nếu có vi phạm thì phải xử lý. “Không nên xem tỉ lệ đi bầu cao, bầu sớm là thành tích để khen thưởng. Có như thế mới bớt được bệnh thành tích” - ĐB Xuân nhấn mạnh.

Bầu cử QH và HĐND: Cần công khai tài sản, tiểu sử, bằng cấp ứng cử viên ảnh 1

Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), không nên xem tỉ lệ đi bầu cao, bầu sớm là thành tích để khen thưởng.Trong ảnh: Đối chiếu danh sách cử tri chuẩn bị bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XII năm 2007. Ảnh minh họa: HTD

Công khai tài sản, học vấn

Cũng theo ĐB Xuân, quy định quyền ứng cử hiện nay tương đối lỏng, tức là gần như mọi công dân đủ tuổi và có một số tiêu chuẩn nhất định thì đều có quyền tự ứng cử. Vì thế, trong kỳ trước có quá đông những người tự ứng cử nhưng sau khi chọn lại thì lại không thể chọn được ai. Ông Xuân cho rằng cần phải có thêm những quy định về tiêu chuẩn cho những người tự ứng cử, ví như phải có được chữ ký ủng hộ của bao nhiêu người hoặc bao nhiêu tổ chức mới là cơ sở để đưa ra lựa chọn.

“Nếu cứ tự do như thế này, tôi thấy có những nơi ứng cử mấy chục người, trong đó có những người rõ ràng không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để loại bỏ, chúng ta phải làm quy trình, xin ý kiến địa phương, mất thời gian và chúng ta không đạt được kết quả mong muốn. Như trong QH kỳ trước cũng gần như chỉ có một người thôi là tự ứng cử” - ĐB Xuân nói.

Đồng tình, ĐB Lê Quốc Dung đề nghị việc sửa đổi lần này phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn, công khai từ tài sản đến tiểu sử, đến bằng cấp… để nhân dân kiểm tra. ĐB Danh Út (Kiên Giang) và Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định mỗi đơn vị bầu cử phải có ít nhất số dư là hai người để nâng cao tính lựa chọn, đảm bảo tính cạnh tranh, dân chủ, công bằng giữa các ứng cử viên.

Cần có hướng dẫn việc tranh cử

Cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về tuyên truyền, chương trình tranh cử. Ví dụ, những người ứng cử có phải làm văn bản chương trình hành động để trình bày với cử tri không? Người ứng cử có được in phát chương trình hành động của mình cho các địa phương hoặc phương tiện thông tin đại chúng không? Có được gửi và tuyên truyền thêm về chương trình hành động đối với cử tri nơi họ ứng cử mà không trực tiếp tiếp xúc không? Hiện nay do chưa có quy định về việc trên nên mỗi địa phương làm khác nhau, dẫn đến kết quả không tốt và các cơ quan lãnh đạo địa phương rất khó kiểm soát, khắc phục.

ĐB ĐẶNG HUYỀN THÁI (Hà Nội) 

Chấm dứt tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”

Quy định như trong dự thảo luật về tiêu chuẩn ĐB, vấn đề công khai, danh sách ứng cử, cơ cấu ứng cử, quyền tranh cử là chưa rõ ràng. Ở một số địa phương, chúng tôi được biết là có tình trạng bố trí “quân xanh”, “quân đỏ” để làm cho thuận, cho nhanh, dễ cho sự lãnh đạo cũng như chỉ đạo. Đây là một điều không nên và không được để nó thể hiện trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế LÊ QUỐC DUNG

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm