“Báu vật quý giá nhất”

Nhiều người trong giới lập pháp và đông đảo công dân còn nhớ rõ một câu viết trong văn kiện Đại hội X là “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo tiết lộ của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường với người viết, để có được câu đó trong nghị quyết, Văn phòng Quốc hội đã phải làm rất nhiều hội thảo.

Theo GS Đường, Hiến pháp 1992 sửa đổi định hướng rõ nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Mà với nhà nước pháp quyền thì một trong những dấu hiệu cơ bản là tất cả cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, cũng phải tuân theo hiến pháp và pháp luật. Do đó cơ chế bảo hiến là nhu cầu tất yếu và cũng là kế thừa tư tưởng đổi mới của Đảng.

Mặt khác, nói đến nhà nước pháp quyền là nói đến việc đề cao những giá trị cao quý của con người, đặc biệt là những giá trị trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước: Làm thế nào để quyền lực nhà nước dù ở bất cứ cấp nào cũng đều phải tôn trọng những quyền cơ bản, hiến định của công dân. Trong đó phải có cơ chế hữu hiệu, như hội đồng bảo hiến, để phán quyết khi xuất hiện tranh chấp giữa quyền lực nhà nước và quyền cơ bản của công dân.

Gần một nhiệm kỳ qua đi, thực tế đất nước đã xuất hiện nhiều xung đột không dễ tìm ra lời giải trong ngắn hạn. Đó là quyền sở hữu tài sản (xe cộ), tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn của công dân mâu thuẫn với sự yếu kém về hạ tầng xã hội cũng như cách thức quản lý đô thị; đó là đòi hỏi của hội nhập quốc tế với tính đặc thù trong nước khi xử lý các vấn đề liên quan đến lập pháp, hành pháp và tư pháp…

Gần năm năm trước, những học giả đã đề xuất lập cơ chế bảo hiến vào văn kiện Đại hội X đều có chung lý do: Phải bảo vệ và tuân theo hiến pháp vì hiến pháp là một báu vật của quốc gia. GS Trần Ngọc Đường còn khẳng định đó là báu vật quý giá nhất!

Vì thế quần chúng mong muốn ở hội nghị lần này “báu vật quý giá nhất” sẽ được bàn cách giữ gìn ra sao.

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm