Biển chia nhiều vùng với quy chế khác nhau

>>> Vun đắp tình yêu biển, đảo

>>> Luật biển quốc tế

Riêng đối với biển, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tính từ đất liền trở ra lần lượt có các vùng biển sau đây:

1. Sát bờ biển là nội thủy (internal waters) còn gọi là “vùng nước nội địa”. Đó là vùng nước sát dọc theo bờ biển, bao gồm các vùng cảng biển, vũng tàu, cửa sông, cửa vịnh...

2. Ngoài nội thủy là lãnh hải (territorial sea). Đó là vùng biển tiếp liền với nội thủy, bản thân nó rộng không quá 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.850 m). Đường phân chia giữa nội thủy và lãnh hải gọi là đường cơ sở (baseline). Đường cơ sở rất quan trọng vì đó là ranh mốc chuẩn để tính bề rộng 12 hải lý của lãnh hải, đồng thời cũng là mốc chuẩn để tính bề rộng của các vùng biển tiếp liền ngoài.

Nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải chạy song song với đường cơ sở được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.

3. Bên ngoài giáp với lãnh hải là vùng tiếp giáp lãnh hải (contiguous zone). Phạm vi vùng này không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở, tức 12 hải lý tính từ ranh ngoài của lãnh hải.

Biển chia nhiều vùng với quy chế khác nhau ảnh 1

Như vậy bề rộng của lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải bằng nhau.

Có thể nói vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng “trái độn” để tàu thuyền nào có vi phạm luật lệ về hải quan, thuế, nhập cư... thì đưa đến vùng này để kiểm soát, xử lý.

4. Vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải gọi là vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone). Bề rộng vùng này không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Đây là vùng biển tuy không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển nhưng nó lại có quy chế đặc biệt về mặt kinh tế vì ở đó quốc gia ven biển có một số quyền chủ quyền.

5. Thềm lục địa (continental shelf) nói nôm na là cái nền thềm của lục địa. Đó là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, nằm bên ngoài đáy lãnh hải. Bề rộng của thềm lục địa về nguyên tắc, tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở và thực tế có khi còn có thể mở rộng ra thêm nữa. Như vậy xét riêng phạm vi này, phần nước biển bên trên gọi là vùng đặc quyền kinh tế, còn phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển đó là thềm lục địa.

Ra xa ngoài năm vùng biển kể trên là biển cả (high sea) còn gọi là biển quốc tế hay biển tự do. Ở đó, quốc gia ven biển không có quyền gì nữa, tất cả quốc gia đều được tự do đi lại, tự do đánh bắt hải sản... Tài nguyên dưới đáy biển tự do là tài sản chung của nhân loại.

Trong các bài tới sẽ nói rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển kể trên.  

. Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý hay 188 hải lý?

Huỳnh Huy Bích (286/8 Minh Phụng, phường 2, quận 11, TP.HCM)

+ Theo Điều 3 và Điều 57 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng quy định đều được tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển, lần lượt là 12 hải lý và 200 hải lý. Trên thực tế, khoảng rộng ấy của vùng đặc quyền kinh tế có phần bên trong nằm trùng chồng lên phạm vi lãnh hải, nên nếu tính riêng vùng đặc quyền kinh tế thì nó chỉ còn rộng có 188 hải lý thôi.

TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm