Bỏ án treo để giảm tham nhũng

Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra bốn lưu ý khi xem xét, quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo. Trong đó, đối với những trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu có đủ điều kiện để áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự thì cũng phải xử trong khung hình phạt liền kề là đã thể hiện chính sách khoan hồng đối với họ. Đáng lưu ý, không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Siết chặt để tránh lạm dụng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Dương Ngọc Ngưu đánh giá: Với việc quy định cụ thể, chi tiết những điều kiện, trường hợp được hưởng án treo, Nghị quyết 01/2013 đã kịp thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt đối với quốc nạn tham nhũng. Lâu nay dư luận “kêu” nhiều chuyện tham nhũng được hưởng án treo cũng là do quy định “mờ” chung chung, dễ bị lạm dụng. Ông Ngưu phân tích, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân tốt và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù. Nhưng tham nhũng là tội phạm đặc thù, có chức vụ nên thông thường họ sẽ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Bỏ án treo để giảm tham nhũng ảnh 1

Việc quy định chi tiết những điều kiện cụ thể được hưởng án treo sẽ tránh được tình trạng lạm dụng kẽ hở để xử nhẹ trong tội phạm về chức vụ. Ảnh minh họa: HTD

Dĩ nhiên, cán bộ đó là có nhân thân tốt, đa số đều phạm tội lần đầu vì làm gì có chuyện bổ nhiệm chức vụ cho người có nhân thân xấu, từng phạm tội. Nhiều người còn có thành tích trong công tác, chiến đấu. Rồi thêm vào việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nộp lại một phần tiền khắc phục hậu quả nữa. Tính sơ qua là có tới 3-4 tình tiết giảm nhẹ, tội phạm về chức vụ hiển nhiên có nhiều điều kiện được hưởng án treo hơn những tội phạm có lý lịch “đen” vướng tiền án, tiền sự. Còn yếu tố “xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù” nên cho hưởng án treo thì rất mơ hồ. Vì vậy, việc quy định chi tiết những điều kiện cụ thể được hưởng án treo sẽ tránh được tình trạng lạm dụng kẽ hở để xử nhẹ, đồng thời có được đường lối xét xử áp dụng thống nhất trong cả nước.

Án nặng cho những con “sâu to”

“Đừng nhìn án treo với tội phạm tham nhũng nhiều hay ít mà quan trọng là việc xét xử cho hưởng án treo có đúng quy định pháp luật hay không. Chẳng lẽ bị cáo đủ điều kiện mà không xét hưởng án treo, pháp luật phải công bằng. Có nghị quyết hướng dẫn rõ cụ thể từng trường hợp đủ điều kiện hưởng án treo thì thẩm phán cứ theo đấy áp dụng” - Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh lưu ý. Theo ông Ánh, do số lượng án tham nhũng được xét xử rất ít so với các loại án khác nên chỉ cần cho hưởng án treo vài bị cáo, vài vụ thì tỉ lệ án treo trong loại tội phạm này đã rất cao. Thí dụ, một năm xét xử vài ngàn vụ án, số bị cáo được xem xét cho hưởng án treo có đến cả trăm nhưng tỉ lệ án treo rất thấp, chỉ vài %. Song khi xử chừng chục vụ về tham nhũng mà có vài bị cáo được hưởng án treo thì tỉ lệ lên đến vài chục %, thậm chí có huyện miền núi xa xôi xử mỗi một vụ mà án treo thì “bị” tính 100% án treo tham nhũng thì không ổn.

Ông Ánh cũng cho rằng “mức án đối với tội phạm tham nhũng rất nghiêm khắc, đừng lo quy định xem xét cho hưởng án treo sẽ giơ cao đánh khẽ”. Vì mức án ba năm tù (được hưởng án treo) thường là xử phạt “tham nhũng vặt” những viên chức phường, xã lợi dụng công vụ vòi vĩnh chút ít tiền bồi dưỡng. Còn nếu “sâu to” tham nhũng, có chức vụ, tham ô, nhận hối lộ những khoản tiền lớn thì án rất nặng, không thể có cơ hội để được xem xét án treo.

Xác định tham nhũng là quốc nạn thì phải xử lý nghiêm minh. Đã yêu cầu xử nghiêm minh mà cho án treo thì khá mâu thuẫn. Do vậy, việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2013 xác định rõ không được cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ là một đòn bẫy trong việc chống tham nhũng.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Bản thân người có chức vụ khi phạm tội họ thừa biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm. Khi đã ý thức được nhưng vẫn làm thì mức án cần phải nghiêm khắc và nên coi đây là một tình tiết tăng nặng khi xét xử. Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết nêu rõ không được áp dụng án treo đối với các tội phạm về chức vụ đã thể hiện được sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước trong vấn đề chống tham nhũng, đồng thời thể hiện tính công bằng của xã hội.

TS NGUYỄN DUY HƯNG,  giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Chống tham nhũng luôn là một đề tài nóng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Xưa nay, dư luận vẫn râm ran chủ thể nhóm tội phạm này có thể trích một phần tiền phạm tội để chạy án treo. Nghị quyết 01/2013 ra đời sẽ góp phần hạn chế chuyện không hay này.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3

Trước đây, trong quá trình giải quyết án, các thẩm phán chỉ chiếu theo Điều 46, Điều 48 BLHS để xác định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc Điều 60 BLHS về án treo khi xét xử. Nhưng những điều này còn chung chung nên các tòa áp dụng chưa thống nhất. Chính vì thế, với Nghị quyết 01/2013, ý nghĩa tích cực rõ nhất là việc giảm được án treo đối với các tội phạm chức vụ, đặc biệt là án tham nhũng. Ngoài ra, nghị quyết sẽ là cơ sở để các thẩm phán dễ dàng áp dụng, giải quyết án.

Trước mắt, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã đưa ra các quy định khá rõ. Còn trong quá trình thực thi, nếu vướng mắc thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh và giai đoạn.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,  Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

PHAN THƯƠNG ghi

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm