Bộ Chính trị kết luận về khai thác bauxite đến 2015

Sau đây là nội dung Thông báo:

Tại phiên họp ngày 16-4-2009, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (Báo cáo số 309-BC/BCSĐ, ngày 15-4-2009), ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng và các bộ và cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

1. Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói riêng.

Thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai 2 dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông); đồng thời, chỉ đạo tìm kiếm, lựa chọn đối tác nước ngoài có năng lực để hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm. Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản làm chủ đầu tư thực hiện 2 dự án và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài.

2. Về quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án, Bộ Chính trị lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...

- Khai thác bauxite, sản xuất alumin có tác động lớn đến môi trường từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không được quản lý tốt, không tính hết đến tác động môi trường thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn.

- Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bauxite, sản xuất alumin, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng này.

- Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới.

- Quan tâm đúng mức đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên; tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương; việc sử dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật.

- Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa.

3. Để tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo:

(1) Nước ta có nguồn tài nguyên bauxite dồi dào, việc phát triển thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin, nhôm để sử dụng trong nước và xuất khẩu là chủ trương đúng, đã được nêu ra trong hai kỳ Đại hội IX và X của Đảng. Trong thời gian tới, phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng. Trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện, cung cấp một phần cho việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bauxite phục vụ trong nước và xuất khẩu.

(2) Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện.

(3) Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết, lựa chọn công nghệ hiện đại; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện. Quá trình triển khai 2 dự án này cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác. Trên cơ sở kết quả của 2 dự án, tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

4. Tổ chức thực hiện

- Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite và triển khai 2 dự án nói trên. Trong đó, lưu ý chỉ đạo chặt chẽ về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động nước ngoài và trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án... Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Kết luận này, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Theo VTCNews/TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm