QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ LUẬT KHOÁNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Cần có chiến lược quốc gia về khai thác tài nguyên

Các ĐB đều bày tỏ mong muốn một khi được ban hành, luật này sẽ giải quyết được những vấn đề nổi cộm hiện nay trong lĩnh vực khoáng sản, gây bức xúc cho xã hội: Nạn khai thác tràn lan, kém hiệu quả, phân chia lợi ích không công bằng, làm nảy sinh vô số hệ lụy về môi trường, đời sống người dân, an sinh xã hội… Các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nhóm vấn đề chính như quy định về đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản, thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò và khai thác giữa trung ương và địa phương hoặc giữa các cơ quan trung ương với nhau. Tuy nhiên, được nhắc tới nhiều nhất là yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân, gắn chặt với trách nhiệm của tổ chức và cá nhân được cấp giấy phép khai thác.

Theo ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai), cả dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lẫn dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này đều thiếu một số nội dung cần thiết: Thứ nhất, không quy định việc định giá tài nguyên khoáng sản để làm cơ sở cho việc tổ chức đấu giá. Thứ hai, luật và nghị định đã nêu trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản cũng như của các cơ quan quản lý nhưng lại chưa đưa ra chế tài cụ thể cho các hành vi vi phạm.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói mình không tin luật này ra đời có thể cải thiện được tình hình hiện nay. “Chúng ta phải có biện pháp quản lý phù hợp, phải giao cho cơ quan chức năng, con người, công cụ, kinh phí phù hợp thì mới không để xuất hiện các loại “tặc”. Tôi thấy lực lượng vũ trang ta rất đông, rất mạnh mà không đánh được mấy loại “tặc” đơn giản. Đó là do chúng ta không quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương xác lập sở hữu nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, chúng ta không xem việc khai thác trộm tài nguyên là trộm cắp, tham ô và chúng ta xử rất nhẹ”.

Đồng tình, ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng luật này nếu ra đời sẽ không đáp ứng yêu cầu tháo gỡ các bức xúc hiện nay mà lý do mấu chốt là: Các quy định mà luật đưa ra đều “hoặc không rõ ràng, hoặc không đến nơi đến chốn”.

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) kiến nghị đưa vào luật một danh mục khoáng sản không được phép xuất khẩu thô mà trước hết là than đá, quặng sắt, titan… nhằm đối phó với tình trạng tài nguyên đang bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Ở điểm này, ĐB Nguyễn Danh cũng có ý kiến: “Phải cập nhật chỉ số cạn kiệt của từng loại khoáng sản trong nước và thế giới để xây dựng một chiến lược quốc gia về khai thác tài nguyên bền vững và hiệu quả”.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm